Sau khi phẫu thuật, người bệnh ung thư nói chung và ung thư trực tràng nói riêng cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất để cơ thể nhanh chóng hồi phục, lấy lại sức khỏe, duy trì tổng trạng cho quá trình điều trị tiếp theo (nếu có). Vậy người bệnh sau phẫu thuật ung thư trực tràng nên ăn gì? Hãy cùng tìm hiểu qua chia sẻ của bác sĩ Kim Thị Bé Diệp, khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Sau phẫu thuật ung thư trực tràng nên ăn gì?
Nếu bạn thắc mắc sau phẫu thuật ung thư trực tràng nên ăn gì, dưới đây là một số hướng dẫn và gợi ý. Tuy nhiên, những gợi ý này không thể thay thế được hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Việc người bệnh sau phẫu thuật ung thư trực tràng nên ăn gì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe, giai đoạn bệnh, nguyện vọng người bệnh…
1. Thực phẩm giàu protein giúp xây dựng và sửa chữa mô
Sau bất kỳ phẫu thuật nào, cơ thể cũng cần lượng lớn protein (chất đạm) để xây dựng, tái tạo mô tổn thương (vết mổ). Protein đóng vai trò chính trong việc tái tạo cơ bắp và các mô trong cơ thể. Bổ sung nhiều protein giúp mô tái tạo tốt hơn, vết thương mau hồi phục hơn, hạn chế gặp các biến chứng sau mổ, ví dụ như nhiễm trùng.
Nguồn protein tốt có thể tìm thấy ở nhiều loại thực phẩm như:
- Thịt nạc từ gà, bò, heo… là nguồn đạm phổ biến, cung cấp nhiều đạm cho nhu cầu hồi phục và xây dựng cơ bắp.
- Các loại đậu như đậu xanh, đậu đen, đậu phộng… các loại hạt như hạt chia, hạt mè, óc chó… cung cấp dồi dào protein, chất béo và carbohydrate (bao gồm đường, tinh bột, chất xơ).
- Ngoài ra, các loại cá và hải sản cũng cung cấp nhiều protein, chất béo tốt và các khoáng chất như sắt, kẽm, canxi, selen… giúp giảm nhẹ các triệu chứng bệnh và tác dụng phụ trong điều trị.
2. Vitamin và khoáng chất cần thiết cho quá trình chữa lành vết thương sau mổ
Sau phẫu thuật, cơ thể cần nhiều vitamin và khoáng chất để hỗ trợ quá trình hồi phục và chữa lành vết thương. Dưới đây là một số dưỡng chất cần thiết:
- Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất collagen, một loại protein cần thiết để tái tạo mô và làm lành vết thương. Giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật. Nguồn thực phẩm: cam, chanh, kiwi, dâu tây, ớt chuông, rau cải xanh…
- Vitamin A giúp hỗ trợ quá trình phát triển tế bào da mới và duy trì sức khỏe của mô biểu bì. Đóng vai trò quan trọng trong việc chống viêm và hỗ trợ hệ miễn dịch. Nguồn thực phẩm: cà rốt, khoai lang, bí đỏ, rau bina và gan động vật.
- Vitamin E là chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ tế bào khỏi hư hại và hỗ trợ sự hình thành mô mới, giúp cải thiện quá trình tái tạo da và giảm thiểu sẹo. Nguồn thực phẩm: hạnh nhân, hạt hướng dương, dầu thực vật, rau xanh…
- Kẽm là khoáng chất thiết yếu cho sự tăng trưởng và sửa chữa tế bào, giúp tổng hợp protein và hình thành collagen, từ đó hỗ trợ chữa lành vết thương. Kẽm cũng tăng cường hệ miễn dịch, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Nguồn thực phẩm: hải sản (như hàu), thịt bò, hạt bí bắp, các loại đậu và hạt…
- Sắt cần thiết cho việc sản xuất tế bào hồng cầu, giúp vận chuyển oxy đến vết thương để hỗ trợ quá trình tái tạo mô. Thiếu sắt có thể dẫn đến mệt mỏi và làm chậm quá trình hồi phục. Nguồn thực phẩm: thịt đỏ, gan, các loại đậu, rau bina và ngũ cốc nguyên hạt…
- Vitamin D hỗ trợ trong việc hấp thụ canxi và giúp tái tạo xương. Nguồn thực phẩm: cá hồi, cá thu, lòng đỏ trứng và ánh sáng mặt trời.
- Magie tham gia vào quá trình tổng hợp protein và tái tạo mô, giúp cơ bắp và hệ thần kinh hoạt động tốt. Nguồn thực phẩm: các loại hạt, ngũ cốc nguyên cám, rau xanh và các loại đậu…
3. Chất béo lành mạnh hỗ trợ hấp thụ chất dinh dưỡng
Người bệnh nên bổ sung thêm các loại chất béo lành mạnh như dầu olive, bơ, dầu đậu nành… thay thế cho chất béo bão hòa trong mỡ động vật, hạn chế ăn các thực phẩm chiên, xào, nhiều dầu mỡ.
4. Thực phẩm chứa men vi sinh giúp phục hồi sức khỏe đường ruột
Sau khi phẫu thuật ung thư trực tràng, việc chăm sóc và phục hồi sức khỏe đường ruột rất quan trọng, thực phẩm chứa men vi sinh (probiotic) có thể hỗ trợ quá trình này. Ví dụ, sữa chua là nguồn thực phẩm chứa men vi sinh phổ biến, đặc biệt giàu các chủng lợi khuẩn như Lactobacillus và Bifidobacterium, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột và hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
10 loại thực phẩm tốt cho người bệnh ung thư trực tràng sau phẫu thuật
1. Cá nạc và cá béo
Cá là nguồn protein tốt và giàu dinh dưỡng vi lượng như selen, canxi, kẽm… rất tốt cho cơ thể, thích hợp làm nguồn đạm chính trong thực đơn hàng ngày của người bệnh ung thư. Ngoài ra, các loại cá (như cá hồi) còn cung cấp lượng lớn chất béo tốt. Dưới đây là lượng protein có trong 100g thịt cá phổ biến:
- Cá trê: 18g.
- Cá thu: 19g.
- Cá hồi: 20,2g.
- Cá ngừ: 29g.
- Cá cơm: 46g.
Bên cạnh cá, các loại hải sản như tôm, cua, mực, bạch tuộc… cũng cung cấp rất nhiều protein và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, người bệnh ung thư không nên ăn cá hay hải sản sống. Do hệ miễn dịch suy giảm, người bệnh ung thư dễ mắc bệnh hơn nếu ăn thực phẩm chưa chín.
2. Thịt gà không da
Thịt gà là nguồn thịt trắng bên cạnh cá có thể dùng làm nguồn protein chính cho cơ thể. Trong mỗi 100g thịt nạc gà (không da) chứa khoảng 31g đạm. Ngoài thịt gà, một số gia cầm khác như vịt cũng là nguồn dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, nên hạn chế ăn da gà vì chứa nhiều chất béo.
3. Trứng
100g trứng cung cấp 13g đạm cùng nhiều chất béo, vitamin A, B, D , E, canxi, magie, kali… Trứng là thực phẩm rẻ, dễ chế biến, cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, ăn quá nhiều trứng có thể gây hại cho sức khỏe. Tiêu thụ 1 quả trứng/ngày được cho rằng an toàn cho sức khỏe.
4. Các loại đậu
Đậu cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng đa lượng như carbohydrate (tinh bột, chất xơ), lipid (chất béo) và protein. Ví dụ, trong 100g đậu xanh chứa:
- 347 calo.
- 1,2g lipid.
- 63g carbohydrate, trong đó có 16g chất xơ.
- 24g protein.
- Cùng nhiều vitamin và khoáng chất khác như vitamin C, B6, canxi, sắt, magie…
5. Sữa chua và kefir
Sữa chua và kefir (sữa lên men với nấm kefir) có thể cung cấp dinh dưỡng hiệu quả qua đường uống với protein, canxi, vitamin A, D, B12, acid lactic… Ngoài ra, sữa chua và kefir còn tăng sức khỏe đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn, phù hợp với người bệnh ung thư trực tràng.
6. Các món rau củ nấu chín kỹ
Rau củ là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất phổ biến, cũng như chất xơ giúp người bệnh cải thiện sức khỏe đường ruột. Tuy nhiên, nên nấu chín kỹ các loại rau củ để quá trình tiêu hóa dễ dàng hơn.
7. Chuối
Chuối là trái cây phổ biến tại Việt Nam, chứa nhiều vitamin C, chất xơ, canxi, kali… Ăn chuối giúp bổ sung năng lượng và dễ tiêu hóa, thích hợp cho người bệnh ung thư trực tràng.
8. Đu đủ
Đu đủ chứa nhiều vitamin, chất chống oxy hóa, một số enzyme hỗ trợ việc tiêu hóa… Đu đủ còn được cho là khả năng cải thiện sức khỏe tim mạch và xương khớp.
9. Kiwi
Dù không quá phổ biến tại Việt Nam, kiwi cung cấp nhiều vitamin C, canxi, có kết cấu mềm, dễ tiêu hóa, làm phong phú hơn thực đơn của người bệnh.
10. Quả bơ
Bơ là nguồn chất béo lành mạnh, có thể ăn trong thực đơn hàng ngày. Bên cạnh đó, bơ chín có kết cấu mềm, dễ tiêu hóa, cùng nhiều dưỡng chất, vitamin có lợi cho sức khỏe.
Sau mổ ung thư trực tràng kiêng ăn gì?
1. Thực phẩm chứa nhiều chất xơ khó tiêu hóa
Ăn quá nhiều các loại rau sống, trái cây có vỏ cứng hoặc nhiều hạt, ngũ cốc nguyên cám… có thể gây khó tiêu hóa và tạo áp lực lên hệ tiêu hóa. (1)
2. Thực phẩm cay hoặc chua
Sau phẫu thuật, vùng trực tràng rất nhạy cảm và dễ bị viêm. Thực phẩm cay và chua có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm hoặc gây kích ứng, dẫn đến các biến chứng không mong muốn như nhiễm trùng hoặc viêm loét.
3. Thực phẩm chiên, xào hoặc nhiều dầu mỡ
Ăn nhiều thực phẩm chiên, xào hoặc nhiều dầu mỡ có thể gây khó tiêu, tăng phản ứng viêm trong cơ thể. Đặc biệt những loại thức ăn nhanh, đóng hộp còn chứa nhiều gia vị và chất béo xấu, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
4. Thực phẩm chứa nhiều caffein
Thực phẩm chứa caffein có thể gây rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của người bệnh. Ngoài ra, cà phê có thể gây kích thích nhu động ruột, khiến người bệnh đi ngoài nhiều hơn sau khi phẫu thuật.
5. Sau mổ ung thư trực tràng kiêng uống rượu bia
Uống rượu bia sau khi phẫu thuật ung thư trực tràng có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, cản trở quá trình hồi phục, gây mất nước, suy yếu hệ miễn dịch… ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh.
Chế độ ăn sau phẫu thuật ung thư trực tràng như thế nào?
1. Dinh dưỡng ngay sau phẫu thuật (vài ngày đầu)
Chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, đa số các trường hợp đều có thể ăn ngay sau khi hồi tỉnh. Thức ăn có thể bắt đầu bằng dạng lỏng như súp loãng, cháo, sữa… và từ từ chuyển sang những thức ăn đặc hơn.
2. Chuyển sang chế độ ăn uống thông thường (vài tuần sau mổ)
Vài tuần sau mổ, người bệnh có thể trở lại với chế độ ăn uống thông thường dưới sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị, cần lưu ý bổ sung thêm các thực phẩm giàu sắt, vitamin C. (2)
Xem thêm:
- Ung thư trực tràng nên ăn gì và kiêng gì? Dinh dưỡng cho bệnh nhân
Một vài lưu ý sau phẫu thuật ung thư trực tràng
Ngoài việc biết sau phẫu thuật ung thư trực tràng nên ăn gì, người bệnh cần lưu ý những điều sau:
- Giữ vết mổ luôn sạch sẽ và khô ráo để tránh nhiễm trùng.
- Theo dõi các dấu hiệu bất thường như sưng, đau, đỏ hoặc chảy dịch tại vết mổ, báo ngay cho bác sĩ nếu có các dấu hiệu này.
- Tuân thủ hướng dẫn về thay băng và vệ sinh vết mổ theo chỉ định của bác sĩ.
- Nghỉ ngơi đầy đủ và tránh các hoạt động thể chất mạnh đến khi vết mổ lành hẳn.
- Người bệnh có thể cần thực hiện thêm các liệu pháp như hóa trị hoặc xạ trị sau phẫu thuật để tiêu diệt hoàn toàn các tế bào ung thư còn sót lại. Người bệnh nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.
Trên đây là bài viết hướng dẫn người bệnh sau phẫu thuật ung thư trực tràng nên ăn gì. Dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe người bệnh ung thư, đặc biệt sau khi phẫu thuật, cơ thể cần được cung cấp nhiều dinh dưỡng để khôi phục tổng trạng, chuẩn bị cho các liệu pháp bổ trợ như hóa trị sau đó. Người bệnh cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn ăn uống của bác sĩ điều trị để đảm bảo sức khỏe, giúp việc điều trị hiệu quả hơn.