Bạch cầu giảm có thể do bẩm sinh, nhiễm trùng, bệnh tự miễn… Số lượng bạch cầu giảm nhẹ thường không đáng ngại, nếu giảm mạnh, người bệnh cần được can thiệp điều trị sớm. Vậy bạch cầu giảm là bệnh gì? Điều trị ra sao?
Bạch cầu giảm là gì?
Bạch cầu giảm (Leukopenia) là tình trạng số lượng bạch cầu trong máu giảm xuống < 4000/mcL. Hiện tượng sụt giảm này có thể xảy ra với nhiều loại tế bào bạch cầu, đặc biệt là bạch cầu trung tính (tuyến phòng thủ đầu tiên giúp bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng). Giảm bạch cầu dù không đe dọa tính mạng nhưng có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tổng thể.
>> Tìm hiểu thêm về tình trạng: Tăng bạch cầu

Phân loại bạch cầu giảm
Tình trạng bạch cầu giảm thường được phân loại như sau:
1. Bạch cầu trung tính giảm
Bạch cầu trung tính giảm là tình trạng số lượng bạch cầu trung tính trong máu giảm chỉ còn < 1500/mcL (<1,5 × 109/L) [1]. Người gốc Phi hoặc Trung Đông thường có số lượng bạch cầu trung tính thấp ở mức 500/mcL (0,5 × 109/L), được gọi là giảm bạch cầu trung tính theo sắc tộc. Sự khác biệt này xuất phát từ tính đa hình trong gen 1 của thụ thể kháng nguyên Duffy (DARC).
Giảm bạch cầu trung tính kèm theo giảm bạch cầu đơn nhân và giảm bạch cầu lympho có thể gây ra tình trạng thiếu hụt miễn dịch nặng hơn so với giảm bạch cầu trung tính đơn thuần.
2. Bạch cầu mono giảm
Giảm bạch cầu mono là hiện tượng giảm số lượng bạch cầu mono trong máu xuống mức < 500/mcL (< 0,5 × 109/L) [2]. Loại bạch cầu này có đặc tính phụ thuộc vào nơi chúng cư trú (nơi bạch cầu mono trở thành đại thực bào). Tình trạng giảm số lượng có thể liên quan đến chấn thương, tác dụng phụ của các phương pháp điều trị y tế…
3. Bạch cầu lympho giảm
Bạch cầu lympho giảm xảy ra khi tổng số tế bào bạch cầu lympho trong máu đạt mức < 1000/mcL (< 1 × 109/L) ở người trưởng thành [3]. Tuy nhiên, không phải lúc nào hiện tượng này cũng được xem là giảm bạch cầu vì các tế bào lympho chỉ chiếm từ 20 đến 40% tổng số lượng bạch cầu.

Nguyên nhân giảm bạch cầu
Bạch cầu giảm trong trường hợp nào? Nguyên nhân bạch cầu giảm có thể liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe, bệnh lý khác nhau như:
1. Rối loạn tạo máu trong tủy xương
Rối loạn tạo máu trong tủy xương có thể là tình trạng bẩm sinh hoặc mắc phải, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất bạch cầu. Một số bệnh lý cụ thể phải kể đến như:
- Giảm tiểu cầu amegakaryocytic: Giảm tiểu cầu amegakaryocytic là một rối loạn hiếm gặp, đặc trưng bởi tình trạng thiếu megakaryocyte - tế bào tủy xương tạo ra tiểu cầu, gây giảm số lượng tiểu cầu nghiêm trọng. Tình trạng này có thể là bẩm sinh hoặc mắc phải do nhiễm trùng bởi virus, tác dụng phụ của thuốc hoặc tiếp xúc với chất độc. Bệnh có thể tiến triển thành suy tuỷ hoặc bạch cầu cấp, là những nguyên nhân khiến giảm bạch cầu trung tính nặng.
- Thiếu máu bất sản: Thiếu máu bất sản là tình trạng rối loạn tủy xương mắc phải phổ biến nhất, xảy ra khi tủy xương ngừng sản xuất tế bào bạch cầu. Nguyên nhân có thể do xạ trị, tác dụng phụ của một số loại thuốc, nhiễm trùng do virus, như virus viêm gan A hoặc B.
- Hội chứng Kostmann: Hội chứng Kostmann còn được gọi là bệnh giảm bạch cầu trung tính bẩm sinh nghiêm trọng, là một bệnh di truyền về tủy xương ngăn tủy xương sản xuất bạch cầu trung tính.
2. Bệnh tự miễn
Bạch cầu giảm do đâu? Một số bệnh tự miễn có thể phá hủy các tế bào bạch cầu, dẫn đến tình trạng giảm bạch cầu, có thể kể đến như:
- Bệnh lupus ban đỏ hệ thống: Khi mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống, hệ thống miễn dịch sẽ phá hủy các tế bào bạch cầu hoặc ức chế sản xuất tế bào bạch cầu trong tủy xương, gây ra tình trạng giảm tế bào bạch cầu.
- Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp và thuốc điều trị bệnh lý này cũng có thể dẫn đến giảm bạch cầu trung tính.
- Hội chứng Evan: Đây là một rối loạn máu tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công và phá vỡ các tế bào hồng cầu. Khi bệnh tiến triển, hệ thống miễn dịch cũng có thể bắt đầu tấn công các tế bào bạch cầu, dẫn đến giảm bạch cầu trung tính.
3. Bẩm sinh
Suy giảm bạch cầu cũng có thể là tình trạng bẩm sinh, thường xảy ra đối với bạch cầu trung tính. Trẻ sơ sinh ngay từ khi sinh ra đã mắc phải bệnh lý này, chủ yếu do di truyền từ bố mẹ.
4. Nhiễm trùng
Hầu như bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào cũng có thể dẫn đến giảm bạch cầu. Nguyên nhân do tế bào bạch cầu trung tính được sử dụng hoặc phá hủy nhanh chóng. Một số trường hợp cũng có thể do quá trình sản xuất bạch cầu trung tính trong tủy xương bị ức chế. Các nguyên nhân nhiễm trùng thường gặp phải kể đến như:
- Viêm mô tế bào: Nhiễm trùng da do vi khuẩn gây ra, thường là vi khuẩn liên cầu và tụ cầu.
- Viêm nhọt: Viêm nhọt do nhiễm tụ cầu.
- Viêm phổi: Nhiễm trùng phổi thường phát triển do cúm hoặc cảm lạnh thông thường
- Viêm xoang: Viêm xoang còn được gọi là nhiễm trùng xoang, xảy ra khi xoang bị viêm do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc nấm.
5. Thuốc
Bạch cầu giảm khi nào? Giảm bạch cầu cũng có thể do tác dụng phụ của thuốc, bao gồm:
- Thuốc kháng sinh như penicillin…
- Thuốc kháng giáp như methimazole…
- Thuốc chống co giật như carbamazepine…
- Thuốc kháng virus như acyclovir…
- Thuốc làm loãng máu như ticlopidine…
- Thuốc chống loạn thần như clozapine…
- Thuốc cường giáp như methimazole…
Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp dùng các loại thuốc trên đều bị giảm bạch cầu. Khi giảm bạch cầu do tác dụng phụ của thuốc, các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 60 ngày kể từ khi bắt đầu dùng thuốc.
6. Suy dinh dưỡng
Thiếu hụt dinh dưỡng có thể dẫn đến tình trạng giảm bạch cầu trung tính, đặc biệt là thiếu vitamin B12, axit folic hoặc đồng. Mỗi loại vitamin này đều đóng vai trò quan trọng đối với quá trình sản xuất và hoạt động khỏe mạnh của tế bào máu. Trong đó, thiếu vitamin B12 xảy ra phổ biến hơn.
Để ngăn ngừa tình trạng này, điều quan trọng, bạn nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng vào chế độ ăn uống. Một số trường hợp có thể cần sử dụng thêm thực phẩm bổ sung theo chỉ định của bác sĩ.
7. Ung thư và phương pháp điều trị ung thư
Giảm bạch cầu là bệnh gì? Các bệnh ung thư ảnh hưởng trực tiếp đến tủy xương như bệnh đa u tủy, bệnh loạn sản tủy… tác động đến quá trình sản xuất bạch cầu, gây giảm bạch cầu. Ngoài ra, các phương pháp điều trị ung thư như: hóa trị, xạ trị, cấy ghép tủy xương… cũng có thể dẫn đến tác dụng phụ tương tự.

Triệu chứng giảm bạch cầu
Bệnh giảm bạch cầu có thể không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu nào. Tuy nhiên, các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn làm bạch cầu giảm có thể gây ra triệu chứng như:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Đổ mồ hôi
- Nhịp tim nhanh
- Đau họng
- Chóng mặt
- Mệt mỏi
- Các triệu chứng giống như cúm
- Phát ban da
- Các vết loét liên tục tái phát (đặc biệt là ở miệng)
- Đau khớp
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
Tình trạng bạch cầu giảm dai dẳng có thể khiến bệnh nhiễm trùng tái phát liên tục, kéo dài và ngày càng nghiêm trọng. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất cần thiết.
Chẩn đoán phát hiện chỉ số bạch cầu giảm
Để xác định chỉ số bạch cầu giảm, trước tiên, người bệnh cần thực hiện xét nghiệm công thức máu toàn phần. Sau đó, một số phương pháp khác cũng có thể được chỉ định bao gồm:
- Xét nghiệm phân để xác định tình trạng kém hấp thu tiêu hóa
- Xét nghiệm máu ngoại vi để xác định các tế bào máu bất thường
- Xét nghiệm HIV
- Tuỷ đồ và Sinh thiết tủy xương để chẩn đoán ung thư máu
- Sinh thiết hạch bạch huyết để chẩn đoán ung thư ở hạch bạch huyết

Cách điều trị tình trạng số lượng bạch cầu giảm trong máu
Đối với bệnh giảm bạch cầu trong máu, phương pháp điều trị sẽ được chỉ định tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể:
- Người có nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn: Sử dụng thuốc kháng sinh dự phòng.
- Thuốc G-CSF (bạch cầu hạt, yếu tố kích thích khuẩn lạc): Kích thích sản xuất tế bào bạch cầu trong tủy xương, có thể được truyền qua đường tĩnh mạch nếu giảm bạch cầu có nguy cơ gây ra biến chứng đe dọa đến tính mạng.
- Giảm bạch cầu do nhiễm trùng: Kê đơn thuốc kháng virus, kháng nấm hoặc kháng khuẩn.
- Giảm bạch cầu do phản ứng thuốc: Nếu phản ứng nhẹ và thuốc vẫn có hiệu quả, người bệnh có thể tiếp tục sử dụng, ngược lại nếu giảm bạch cầu trung tính nghiêm trọng, buộc phải ngưng dùng thuốc.
- Giảm bạch cầu do hóa trị: Sử dụng G-CSF và kháng sinh dự phòng hoặc trì hoãn việc hóa trị nếu số lượng bạch cầu trung tính giảm nghiêm trọng [4].
- Giảm bạch cầu do thiếu máu bất sản: Ghép tủy xương, truyền máu, dùng thuốc ngăn hệ thống miễn dịch phá hủy tế bào gốc trong tủy xương, hoặc tiêm G-CSF để kích thích sản xuất tế bào bạch cầu.
- Giảm bạch cầu do hội chứng Kostmann: Không có cách chữa khỏi bệnh giảm bạch cầu trung tính bẩm sinh nghiêm trọng này, nhưng có thể điều trị bằng G-CSF thường xuyên để tăng số lượng bạch cầu và ngăn ngừa nhiễm trùng. Một số trường hợp có thể cần ghép tủy xương.
- Suy dinh dưỡng: Giảm bạch cầu trung tính liên quan đến suy dinh dưỡng thường được điều trị bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường vitamin B12, axit folic và đồng để tránh thiếu hụt.
- Giảm bạch cầu do bệnh tự miễn: Số lượng bạch cầu thấp liên quan đến bệnh tự miễn được điều trị bằng kháng sinh dự phòng để giảm nguy cơ nhiễm trùng, hoặc G-CSF để tăng số lượng bạch cầu.
Hướng dẫn phòng tránh nhiễm trùng, tránh nguy cơ giảm bạch cầu
Tình trạng giảm bạch cầu không thể phòng ngừa, nhưng có thể làm giảm nguy cơ bằng cách phòng tránh nhiễm trùng thông qua các cách sau:
- Hạn chế ăn thịt, gia cầm hoặc hải sản sống, trứng sống, các sản phẩm từ sữa sống hoặc chưa tiệt trùng, giá sống…
- Sơ chế thực phẩm đảm bảo vệ sinh bằng cách rửa tay trước khi chế biến, rửa sạch thực phẩm tươi, tách riêng các loại thực phẩm khi bảo quản, chế biến…
- Ăn chín uống sôi
- Vệ sinh tất cả các dụng cụ nhà bếp, thớt, mặt bàn bằng xà phòng và nước ấm sau khi sử dụng để chế biến thực phẩm.
- Bảo quản tất cả các loại thực phẩm dễ hỏng hoặc thức ăn thừa vào tủ lạnh hoặc tủ đông khi chưa có nhu cầu dùng đến.
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi chạm vào mũi, miệng hoặc mắt, sau khi ở nơi công cộng, sau khi đi vệ sinh ho, hắt hơi, xì mũi…
- Bảo vệ các vết thương hở trên da để tránh vi khuẩn xâm nhập
- Xây dựng chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là rau củ quả, trái cây
Câu hỏi thường gặp
Dưới đây là phần giải đáp một số thắc mắc thường gặp liên quan đến tình trạng giảm bạch cầu:
1. Số lượng bạch cầu giảm bao nhiêu là nguy hiểm?
Số lượng bạch cầu dưới 500 bạch cầu trung tính/microlit máu được coi là trường hợp nặng, nguy hiểm, cần can thiệp điều trị kịp thời.
2. Tình trạng bạch cầu giảm nhẹ có sao không?
Tình trạng bạch cầu giảm nhẹ không đáng lo ngại, có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, tình trạng này thường không có triệu chứng rõ ràng.
3. Bạch cầu giảm mạnh có nguy hiểm không?
Bạch cầu giảm mạnh là trường hợp nguy hiểm, có thể cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Do đó, việc can thiệp điều trị kịp thời là rất quan trọng và cần thiết.
Trên đây là bài viết tổng hợp các thông tin cơ bản về bạch cầu giảm, bạch cầu giảm là sao, bạch cầu giảm bệnh gì, nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Điều quan trọng là cần chủ động ngăn ngừa nhiễm trùng để giảm nguy cơ phát bệnh.