Việc lựa chọn cách chữa bệnh trĩ nội phù hợp cần dựa trên mức độ nghiêm trọng của búi trĩ. Trường hợp trĩ nhẹ, kích thước nhỏ, người bệnh chỉ cần chăm sóc tại nhà kết hợp dùng thuốc tại chỗ. Nếu mức độ nặng, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp điều trị ngoại khoa để điều trị dứt điểm bệnh, ngăn biến chứng.
Cách chữa bệnh trĩ nội phổ biến hiện nay
Trĩ nội là tình trạng các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng dưới bị sưng phồng, gây ra triệu chứng khó chịu như đau, ngứa, chảy máu và sa búi trĩ (búi trĩ bị đẩy ra ngoài hậu môn). Bệnh lý này có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả, được chỉ định tùy thuộc vào từng giai đoạn và mức độ nghiêm trọng của tổn thương:
1. Điều trị nội khoa
Giống như các bệnh lý khác, điều trị nội khoa luôn là lựa chọn hàng đầu. Với bệnh trĩ nội, điều trị ưu tiên tập trung vào việc cải thiện triệu chứng và kiểm soát diễn tiến bệnh:
1.1 Thuốc bôi
Các loại kem, thuốc mỡ hỗ trợ chữa trĩ nội có tác dụng giảm ngứa, rát, khó chịu tại vùng tổn thương; thường chứa các thành phần sau đây:
- Thuốc gây tê: Có tác dụng làm tê vùng bị trĩ để giảm đau (lidocaine, benzocaine).
- Corticosteroid: Giảm viêm và sưng (hydrocortisone).
- Chất bảo vệ (Protectants): Tạo lớp màng bảo vệ vùng bị kích ứng (kẽm oxit, vaseline).
1.2 Thuốc uống
Dù không phải là phương pháp điều trị chính của trĩ nội, nhưng có thể được chỉ định sử dụng để kiểm soát các triệu chứng liên quan:
- Thuốc làm vững thành mạch: Diosmin, Hesperidin, Vitamin C
- Thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen có thể giúp giảm đau.
- Thuốc làm mềm phân: Giúp phân mềm và dễ đi đại tiện hơn, từ đó làm giảm căng thẳng khi đi tiêu.
1.3 Thuốc đặt hậu môn
Bác sĩ có thể đưa thuốc đặt hậu môn như corticosteroid hoặc thuốc gây tê vào trực tràng để giảm đau tại chỗ. Đây cũng là cách chữa bệnh trĩ nội được áp dụng phổ biến. (1)

2. Các thủ thuật xâm lấn tối thiểu
Khi điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các thủ thuật xâm lấn tối thiểu. Hầu hết các cách chữa bệnh trĩ nội này đều không cần gây mê toàn thân: (2)
2.1 Phương pháp quang đông hồng ngoại (IRC)
Phương pháp quang đông hồng ngoại sử dụng nhiệt để làm co các mô trĩ, thường được sử dụng cho trường hợp trĩ kích thước từ nhỏ đến trung bình.
2.2 Liệu pháp xơ hóa
Liệu pháp xơ hoá là thủ thuật tiêm dung dịch vào búi trĩ để trĩ co lại. Phương pháp này cũng được chỉ định thực hiện cho búi trĩ kích thước từ nhỏ đến trung bình.
2.3 Thắt trĩ bằng phương pháp CRH O’Regan
Phương pháp CRH O’Regan sử dụng thiết bị dùng một lần để đặt một dải cao su nhỏ quanh gốc búi trĩ, cắt đứt nguồn cung cấp máu đến trĩ, khiến trĩ co lại và rụng đi.
2.4 Thắt búi trĩ bằng vòng cao su
Đây là cách chữa bệnh trĩ nội được áp dụng phổ biến. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ đặt một vòng cao su quanh gốc búi trĩ để hạn chế lưu lượng máu. Búi trĩ không nhận được máu nuôi sẽ từ từ co lại và tiêu biến.

3. Phẫu thuật
Phẫu thuật thường được chỉ định đối với các trường hợp trĩ nặng hoặc sa búi trĩ không đáp ứng với điều trị nội khoa.
Phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ có thể được thực hiện bằng nhiều kỹ thuật khác nhau như:
- Phương pháp Longo: Phương pháp cắt trĩ bằng máy bấm, sử dụng máy bấm tròn để cắt bỏ một vòng mô phía trên búi trĩ, sau đó đưa trĩ trở lại vị trí ban đầu.
- Siêu âm THD (Transanal Hemorrhoidal Dearterialization): Sử dụng siêu âm Doppler để xác định các động mạch cung cấp máu cho búi trĩ, sau đó khâu lại để giảm lưu lượng máu, kích thích búi trĩ teo nhỏ.
4. Phương pháp điều trị trĩ nội tại nhà
Cùng với việc tuân thủ điều trị theo phác đồ, chăm sóc tại nhà đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát diễn tiến bệnh trĩ nội và hỗ trợ cải thiện triệu chứng:
1. Thay đổi thói quen sống hàng ngày
Khi bị trĩ nội, người bệnh nên thay đổi thói quen sống hàng ngày một cách lành mạnh:
- Tránh rặn khi đi đại tiện
- Không ngồi lâu trên bồn cầu khi đi đại tiện
- Giữ cho vùng hậu môn luôn sạch sẽ và khô ráo, ưu tiên sử dụng khăn ướt kháng khuẩn sau khi đi đại tiện, tránh dùng xà phòng chứa hoạt chất tẩy rửa, mùi hương gây kích ứng.
- Ngâm vùng hậu môn trong nước ấm 15 - 20 phút vài lần một ngày để làm dịu kích ứng.
2. Chế độ ăn uống
Người bệnh bị trĩ nội nên xây dựng chế độ ăn giàu chất xơ, ưu tiên ăn rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt để làm mềm phân và giúp đi đại tiện dễ hơn. Điều quan trọng là cần bổ sung đủ nước mỗi ngày để ngăn ngừa táo bón.
3. Hoạt động nhẹ nhàng
Người bệnh bị trĩ nội nên tập thể dục thường xuyên để hỗ trợ ngăn ngừa táo bón. Tuy nhiên, nên hoạt động nhẹ nhàng, tránh mang vác nặng, ngồi lâu hoặc đứng quá lâu.
Thắc mắc thường gặp
Dưới đây là phần giải đáp một số thắc mắc thường gặp liên quan đến cách chữa trĩ nội:
1. Trĩ nội có thể tự khỏi không?
Trĩ nội nhẹ có thể tự khỏi bằng cách thay đổi lối sống/ chế độ ăn uống lành mạnh, kết hợp thói quen đi đại tiện đúng. Tuy nhiên, các trường hợp nặng phải can thiệp điều trị y tế hoặc phẫu thuật để tránh biến chứng nguy hiểm.
2. Điều trị trĩ nội có đau không?
Điều trị trĩ nội có đau không tùy thuộc vào phương pháp áp dụng. Những phương pháp không xâm lấn như sử dụng thuốc bôi, thay đổi thói quen sống thường không gây đau đớn. Các thủ thuật xâm lấn hoặc phẫu thuật có thể khiến người bệnh cảm thấy đau, khó chịu. Tuy nhiên, mức độ đau và hồi phục còn tùy thuộc vào kỹ thuật và tay nghề của bác sĩ. Do đó, người bệnh nên lựa chọn cơ sở y tế có chuyên khoa sâu để khám và điều trị hiệu quả.
3. Điều trị bệnh trĩ nội mất bao lâu?
Thời gian điều trị trĩ nội tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và phương pháp áp dụng. Các trường hợp nhẹ có thể cải thiện trong vòng vài ngày với các biện pháp chăm sóc tại nhà. Trong khi đó, các trường hợp nghiêm trọng hơn có thể mất cần thời gian điều trị lâu hơn.

4. Trĩ nội cấp độ 1 có cần điều trị không?
Trĩ nội độ 1 là mức độ nhẹ nhất, thường không cần điều trị y tế, ngoại trừ các trường hợp xuất hiện triệu chứng chảy máu, khó chịu. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần thay đổi chế độ ăn uống, lối sống và có thể dùng thuốc tại chỗ theo chỉ định của bác sĩ.
5. Bệnh trĩ nội có tái phát sau điều trị không?
Bệnh trĩ có thể tái phát sau điều trị, đặc biệt là khi các nguyên nhân cơ bản như táo bón, rặn khi đại tiện không được kiểm soát.
6. Có nên chữa trĩ nội bằng phương pháp dân gian?
Có rất ít bằng chứng khoa học chứng minh hiệu quả của các phương pháp dân gian trong điều trị trĩ nội. Do đó, người bệnh nên đi khám bác sĩ để được chỉ định phác đồ điều trị khoa học, hiệu quả, tránh gặp phải tác dụng phụ hoặc biến chứng không mong muốn.
7. Điều trị trĩ nội ở đâu uy tín?
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là địa chỉ hàng đầu được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn để thăm khám và điều trị trĩ nội. Bệnh viện quy tụ đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Nội Tiêu hóa, Ngoại Tiêu hóa, Hậu môn - Trực tràng và Nội soi tiêu hóa có trình độ cao, dày dặn kinh nghiệm, cập nhật liên tục các kỹ thuật điều trị tiên tiến như tiêm xơ trĩ, đốt trĩ laser, phẫu thuật cắt trĩ… Ngoài ra, bệnh viện còn đầu tư hệ thống trang thiết bị y tế tiên tiến nhập khẩu từ nước ngoài, đảm bảo hiệu quả điều trị tối ưu.
Đặc biệt, bệnh viện còn trang bị phòng mổ Hybrid vô khuẩn, tích hợp các công nghệ chẩn đoán hình ảnh hiện đại như máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), máy nội soi và hệ thống tán laser công suất lớn, hỗ trợ tối đa cho bác sĩ trong quá trình chẩn đoán, điều trị.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, Quý khách vui lòng liên hệ:
Trên đây là bài viết tổng hợp thông tin về các cách chữa bệnh trĩ nội và giải đáp một số thắc mắc thường gặp. Hy vọng qua những chia sẻ này, người bệnh sẽ cập nhật thêm nhiều kiến thức sức khỏe hữu ích.