26-2-1947: Ngày Truyền thống Ngành Chính sách quân đội

Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 26-2-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 26-2

Sự kiện trong nước

Ngày 26-2-1285, danh tướng Trần Bình Trọng bị sát hại khi mới 26 tuổi.

Tướng Trần Bình Trọng sinh năm 1259, quê ở làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Ngày 26-2-1285, Trần Bình Trọng chỉ huy một cánh quân chống quân Nguyên ở bãi Tức Mặc, và bị giặc bắt. Quân Nguyên dụ ông đầu hàng sẽ phong vương, ông khảng khái trả lời: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”.

Ngày 26-2-1947, Ngành Chính sách quân đội thành lập.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, trước yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng và của Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 26-2-1947, Chính phủ ban hành Nghị định số 240/CP thành lập Phòng Thương binh thuộc Chính trị Cục (sau này là Tổng cục Chính trị), Ban Thương binh ở các khu để chuyên trách theo dõi, chỉ đạo công tác thương binh, liệt sĩ trong lực lượng vũ trang. Sự kiện này đã đánh dấu sự ra đời về mặt tổ chức của hệ thống ngành Chính sách quân đội.

Ngày 31 tháng 12 năm 1996, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quyết định lấy ngày 26-2-1947 là Ngày Truyền thống Ngành Chính sách quân đội.

Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, Ngành Chính sách quân đội đã tham mưu làm tốt công tác động viên, khen thưởng chiến trường, đẩy mạnh phong trào thi đua giết giặc lập công, quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi và tổ chức cứu chữa, chăm sóc, điều dưỡng thương binh, bệnh binh chu đáo, kịp thời. Đề xuất chính sách và thực hiện quản lý, chăm sóc hàng triệu gia đình quân nhân ở hậu phương (chính sách B, C, K), động viên sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến, góp phần cùng cả nước giành thắng lợi vẻ vang, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, nhất là những năm gần đây, Ngành đã quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, bám sát tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, chủ động tham mưu, đề xuất ban hành đồng bộ hệ thống chế độ, chính sách đối với quân đội, hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Đề xuất đổi mới chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; các chủ trương và giải pháp lớn về công tác mộ liệt sĩ. Ngành đã giúp Tổng cục Chính tri, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trình Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, góp phần làm sâu sắc thêm truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta.

Ngành chính sách đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Ảnh: Tư liệu.

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Ngành Chính sách đã làm tốt chức năng tham mưu, thực hiện chính sách đối với quân đội, hậu phương quân đội hiệu quả; xây dựng nên truyền thống quý báu: “Đoàn kết chặt chẽ, tận tụy công tác, chủ động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”. Những kết quả và truyền thống quý báu ấy đã làm sáng tỏ thêm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”.

Với những thành tích đạt được, nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Ngành Chính sách Quân đội (26-2-2017), Cục Chính sách vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.

Ngày 26-2-1973 đến 2-3-1973: Tại Pari đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Việt Nam. Hội nghị có đại biểu 4 bên tham gia, 5 nước lớn (Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ), 4 nước trong Uỷ ban Giám sát và Kiểm soát quốc tế (Ba Lan, Hunggari, Canađa, Indônêxia) và Tổng Thư ký Liên hiệp quốc với tư cách là quan sát viên. Hội nghị đã ký Định ước xác nhận và cam kết tôn trọng các vǎn bản của Hiệp định Pari.

Ngày 26-2-2003: Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 225/QĐ-TTg về việc phê duyệt dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sự kiện quốc tế

Ngày 26-2-1802 là ngày sinh của Victor Marie Hugo - nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch lớn của nước Pháp và thế giới ở thế kỷ XIX. Ông nổi tiếng với các cuốn tiểu thuyết: “Những người khốn khổ” và “Nhà thờ Đức Bà Paris”.

Victor Marie Hugo. Ảnh: Tư liệu.

Ngày 26-2-1935: Adolf Hitler cho tái lập lực lượng không quân Đức, tức Luftwaffe, vi phạm Hòa ước Versailles được ký kết cuối thế chiến thứ nhất.

Ngày 26-2-1993: Trung tâm Thương mại Thế giới bị đánh bom.

Lúc 12 giờ 18 phút trưa ngày 26-2-1993, một xe tải chở bom đỗ dưới bãi đậu xe tầng hầm Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York nổ tung làm 6 người chết, hơn 1.000 người bị thương, tạo thành một cái hố rộng 18m và làm sập nhiều tầng nhà trong vùng lân cận.

Sau vụ tấn công, chính quyền đã cho sơ tán 50.000 người từ hai tòa nhà, trong đó có hàng trăm người bị ngạt khói. Theo thống kê, vụ nổ gây thiệt hại khoảng hơn 500 triệu USD.

Vụ nổ tại Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York. Ảnh: Tư liệu.

Chính quyền thành phố và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã tiến hành một cuộc truy tìm nghi phạm quy mô lớn, và trong ít ngày sau đó nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan đã bị bắt giữ.

Tháng 3-1994, Mohammed Salameh, Ahmad Ajaj, Nidal Ayyad, và Mahmud Abouhalima bị một bồi thẩm đoàn liên bang kết án do vai trò của họ trong vụ đánh bom, và cả ba đều bị kết án tù chung thân.

Chủ mưu của vụ tấn công - Ramzi Yousef Ahmed - vẫn nằm ngoài vòng pháp luật cho đến tháng 2 năm 1995, hắn bị bắt giữ ở Pakistan.

Theo dấu chân Bác

Ngày 26-2-1947, Bác thảo điện mật gửi phái viên của Chính phủ tại Thanh Hoá yêu cầu nhanh chóng củng cố quyền lực của chính quyền ở 6 châu thượng du, đồng thời nhắc lãnh đạo tỉnh phải đăng lá thư “Gửi đồng bào thượng du”, động viên các vị quan lang và dân chúng để củng cố hậu phương vào thời điểm chiến tranh đang lan rộng.

Ngày 26-2-1949, Bác viết thư cho Trường Y tá Liên khu I căn dặn: “Y tá chẳng những là một nghề nghiệp, mà lại là một nghĩa vụ. Người y tá chẳng những giúp chữa bệnh mà còn phải phổ biến vệ sinh. Việc giữ gìn và bồi dưỡng sức khoẻ của dân tộc, người y tá phải gánh một phần quan trọng. Vì vậy, y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự kháng kiện của giống nòi. Những chiến sĩ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó. Phải giàu lòng bác ái hy sinh”.

Thăm bệnh xá Vân Đình, tỉnh Hà Tây, Người căn dặn cán bộ bệnh xá thực hiện “Lương y như từ mẫu” (20-4-1963). Ảnh: Tư liệu.

Ngày 26-2-1954, điện văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc mừng Chủ tịch Chủ tịch Đoàn Xôviết tối cao Liên Xô Kơlimentơ Ephơrêmôvích Vôrôsilốp và Quân đội Liên Xô, đăng báo Nhân dân, số 168.

Trong điện văn, Người bày tỏ sự tin tưởng của nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân thế giới vào lực lượng lớn mạnh của Quân đội Liên Xô và coi đó là "một đảm bảo vô cùng vững chắc" cho hòa bình và dân chủ thế giới.

Ngày 26-2-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên đường đi thăm chính thức nước Cộng hòa Inđônêxia.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đền Brôbađia, một công trình văn hóa trong dịp Người sang thăm hữu nghị nước Cộng hòa Inđônêxia (2-1959) . Ảnh: Tư liệu.

Phát biểu trước cán bộ, đồng bào ra tiễn tại sân bay Gia Lâm, Người bày tỏ niềm phấn khởi được sang thăm Inđônêxia theo lời mời của Tổng thống A. Xucácnô và nói: “Chúng tôi sẽ thay mặt đồng bào ta mang tình hữu nghị thắm thiết đến với nhân dân Inđônêxia anh em. Chắc rằng lúc chúng tôi trở về sẽ đem theo món quà quý báu tức là tình hữu nghị của nhân dân Inđônêxia đối với nhân dân ta”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa và Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, Sự thật)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Hạn hán cũng là một thứ giặc, chúng ta không nên chủ quan coi thường hạn hán”.

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bài: “Tuyệt đối chớ chủ quan khinh địch”, với bút danh C.B, đăng trên báo Nhân dân, số 724, ngày 26 tháng 2 năm 1956.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tát nước chống hạn với bà con nông dân ở cánh đồng Quai Chảo, xã Đại Thanh, huyện Thường Tín, Hà Đông (12-1-1958) . Ảnh: Tư liệu.

Trong thời điểm đất nước ta đang bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đứng trước tình hình hạn hán đang gây thiệt hại lớn cho việc sản xuất của nhân dân, Hồ Chí Minh phê bình một số cán bộ ở địa phương thiếu quan tâm đến công tác phòng, chống hạn hán. Đồng thời, Người cũng nhắc nhở đội ngũ cán bộ, chính quyền địa phương các cấp phải đề cao trách nhiệm, không thể coi thường hạn hán, bởi đó là một kẻ “địch” to.

Lời nhắc nhở này không những đẩy mạnh phong trào phòng, chống thiên tai, hạn hán trong cả nước mà còn là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong việc bám sát cơ sở, dự báo, đề phòng, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến hết sức gay go, gian khổ, chống lại kẻ “địch” hạn hán. Thực hiện lời chỉ đạo của Hồ Chủ tịch về phòng chống thiên tai, hạn hán, các cấp chính quyền địa phương trong cả nước đã có sự quan tâm sâu sắc đến việc phòng, chống hạn hán; thường xuyên tăng cường công tác, lãnh đạo, chỉ đạo, công tác dự báo, phòng, chống thiên tai, hạn hán nhằm ổn định sản xuất và cuộc sống của nhân dân, bảo đảm cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cung cấp lương thực cho chiến trường miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Ngày nay, trước sự biến đổi phức tạp của khí hậu, vấn đề thiên tai, hạn hán còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, lời dạy “Hạn hán cũng là một thứ giặc, chúng ta không nên chủ quan coi thường hạn hán” vẫn còn nguyên giá trị. Điều đó, đòi hỏi Đảng, Nhà nước, quân đội và chính quyền địa phương các cấp càng phải vận dụng sáng tạo hơn nữa những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống thiên tai, hạn hán. Thực tế cho thấy, nhiều chủ trương, dự án phòng, chống thiên tai, hạn hán của Đảng, Nhà nước ta đã và đang được triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả thiết thực, góp phần to lớn, quan trọng phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân.

Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất, vận dụng sáng tạo lời dạy của Bác, trên mặt trận lao động sản xuất quân đội ta đã thực sự là một lực lượng xung kích đi đầu, góp phần không nhỏ cùng toàn Đảng, toàn dân, chính, quyền địa phương các cấp tham gia vào nhiều dự án, công trình quốc gia nhằm mục đích phòng, chống thiên tai, hạn hán; tổ chức giúp đỡ và tuyên truyền, vận động nhân dân khắc phục hạn hán; tích cực tham gia phong trào trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, cập nhật thông tin, dự báo tình hình hạn hán cho nhân dân, góp phần giảm thiểu thấp nhất những tác hại của thiên tai, hạn hán đến quá trình sản xuất và cuộc sống của nhân dân.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 547 ngày 26-2-1959 có đăng bài xã luận “Chúc tình hữu nghị Việt Nam - Indonesia ngày càng bền chặt” nói về chuyến thăm nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a của Hồ Chủ tịch, đánh dấu thêm một bước quan trọng trong lịch sử quan hệ hữu nghị lâu đời giữa nhân dân hai nước.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 547 ngày 26-2-1959. Ảnh: Tư liệu.

Báo Quân đội nhân dân số 12854 ngày 26-2-1997 có đăng bài viết về hội thảo khoa học “Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bộ đội đặc công” trên trang nhất. Trong bài viết có trích lời huấn thị của Bác: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt, các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt. Bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành tốt, bất kỳ khó khăn đặc biệt nào cũng phải khắc phục cho kỳ được”.

Hội thảo khoa học “Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bộ đội đặc công” đăng trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 26-2-1997. Ảnh: Tư liệu.

Cũng ngày này năm 2004, chuyên mục “Ngày này 50 năm trước” Báo Quân đội nhân dân số 15383 có đăng bài “Bác Hồ trả lời phỏng vấn báo Expressen (Thụy Điển) khẳng định Việt Nam muốn hòa bình”, trong đó có đoạn “Như vậy trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Bác lúc nào cũng mong muốn hòa bình. Người không hề muốn bỏ lỡ một cơ hội nào nếu có thể mang lại hòa bình cho dân tộc, cho nhân dân…”

Báo Quân đội nhân dân số 15383 ngày 26-2-2004. Ảnh: Tư liệu

QUỲNH OANH (Tổng hợp)

Link nội dung: https://wordplay.edu.vn/26-thang-2-cung-gi-a80840.html