Nguyễn Văn Luận - Chàng trai Gen Z với niềm đam mê “họa” Hà Nội bằng bút bi

Từ cậu bé mê truyện tranh đến hành trình nghiêm túc với hội họa

Xuất thân từ một gia đình thuần nông, trong nhà không ai có năng khiếu vẽ nhưng Nguyễn Văn Luận (1998, Hà Nội) đã sớm bộc lộ niềm đam mê với hội họa từ nhỏ. Câu chuyện bắt đầu khi anh được một người chú tặng bộ truyện tranh "7 viên ngọc rồng" vào năm học lớp 3. Những nét vẽ trong bộ truyện đã cuốn hút cậu bé Nguyễn Văn Luận, khiến anh say mê phác họa lại các nhân vật bằng bút chì và bút bi.

Trước đây, Luận theo học khoa Kỹ thuật Môi trường tại Đại học Xây dựng. Khi ấy, nhiều người thường nhầm anh là sinh viên của khoa Kiến trúc vì có năng khiếu vẽ. Tuy nhiên, thực tế là anh chưa thật sự nghiêm túc với hội họa. Phải đến khi có một số thành tựu và được cộng đồng công nhận, anh mới quyết định chính thức theo đuổi con đường nghệ thuật này.

Đến những năm cuối cấp Trung học phổ thông, Luận gia nhập một cộng đồng vẽ trên Facebook có tên “Art diễn họa thủ công”, nơi quy tụ những người đam mê hội họa để chia sẻ tranh vẽ và kinh nghiệm. Sự giao lưu với các bạn trong nhóm khiến niềm đam mê hội họa của Luận cứ thế lớn dần. Anh chia sẻ: “Khi vào nhóm, mình ấn tượng với tài năng của các thành viên khác nên càng chuyên tâm rèn luyện; mình quyết định chuyển từ việc vẽ nhân vật truyện tranh sang chân dung truyền thần bằng cả bút chì và bút bi”. Tuy nhiên, lúc ấy, Luận vẫn chỉ coi vẽ tranh là thú vui cá nhân chứ chưa có dự định nghiêm túc theo đuổi công việc này.

Bút bi có thể khắc họa những chi tiết tinh vi đến từng milimet.

Những góc nhỏ trên phố cổ Hà Nội cũng được anh tái hiện đầy sinh động.

“Năm 2018 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hành trình nghệ thuật của mình, khi những bức tranh mà mình đăng tải trên mạng xã hội bắt đầu thu hút sự chú ý từ cộng đồng và nhận được sự công nhận, ủng hộ từ các hội nhóm. Đặc biệt, một bức tranh vẽ bằng bút bi đã mang đến cho mình vị khách hàng đầu tiên. Từ đó, mình quyết tâm theo đuổi con đường vẽ tranh chuyên nghiệp và chuyển hẳn sang thể loại bút bi”, Luận tự hào.

Công đoạn khó nhất của vẽ tranh theo phong cách này là phối màu, bởi bút bi chỉ có 10 màu.

Chia sẻ về lý do lựa chọn bút bi thay bút chì, anh cho biết trước đây thường sử dụng bút chì màu để vẽ, nhưng vì ngại việc gọt chì, anh đã chuyển sang dùng bút bi cho tiện lợi. Vẽ bằng bút bi là một phong cách khá hiếm, và tranh phong cảnh thì lại càng ít người theo đuổi. Điều này vừa giúp Luận trở nên nổi bật trong cộng đồng vẽ tranh nhưng cũng khiến anh gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lời khuyên hay tài liệu tham khảo. “Mình phải tự mày mò, rút kinh nghiệm qua từng lần sáng tạo. Với mình, mỗi lần vẽ chính là một lần học”, anh bộc bạch.

Chính sự độc đáo trong phong cách hội họa ấy đã thu hút nhiều người yêu tranh, khiến họ không ngần ngại bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho anh. Chị Linh Giang (Hà Nội), người thường xuyên theo dõi các bức tranh Luận đăng tải lên mạng xã hội, chia sẻ: “Quyết định chọn bút bi làm công cụ sáng tác chính và tập trung vào chủ đề phong cảnh là một điều rất khác biệt trong thế giới nghệ thuật hiện nay, bởi không nhiều người dám theo đuổi phong cách như anh. Tranh của anh Luận luôn khiến tôi phải trầm trồ với vẻ đẹp tả thực và những chi tiết phức tạp. Mỗi bức tranh đều cho thấy sự đầu tư kỹ lưỡng và tâm huyết mà anh dành cho nghệ thuật”.

Khi vẽ bằng bút bi, những lỗi sai nhỏ có thể được chỉnh sửa, nhưng nếu gặp phải lỗi lớn, anh buộc phải từ bỏ cả bức tranh.

Theo Nguyễn Văn Luận, yếu tố quan trọng nhất khi vẽ tranh bằng bút bi là sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Vẽ bằng bút bi không cho phép anh xóa hay điều chỉnh như với bút chì, vì vậy mỗi nét vẽ đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Thêm vào đó, một bức tranh phong cảnh thông thường sẽ tốn từ 150 đến hơn 200 giờ để hoàn thành. Do vậy, anh đã rèn luyện thói quen cầm bút mỗi ngày. Ngay cả khi không có cảm hứng, anh vẫn dành 2-3 tiếng ngồi vào bàn làm việc, còn những ngày dồi dào cảm hứng, anh sẽ vẽ suốt cả ngày. “Tôi thường có nhiều cảm hứng khi vẽ phong cảnh hơn so với chân dung, đặc biệt là khi vẽ về Hà Nội. Tất cả các bức tranh phong cảnh tôi vẽ cho tới thời điểm hiện tại đều là về Thủ đô”, anh chia sẻ.

“Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng hàng đầu của mình kể từ khi nghiêm túc theo đuổi tranh vẽ bằng bút bi”

Luận khẳng định như vậy khi được hỏi về đề tài phong cảnh anh thường vẽ. Với anh, vẻ đẹp của những gánh hàng rong, xe hoa ven đường, quán cà phê cổ kính hay những con phố trầm mặc của Hà Nội luôn gợi lên cảm xúc đặc biệt, trở thành chất liệu quý giá để anh sáng tạo nên tác phẩm. Những bức tranh của anh thường xuất phát từ khoảnh khắc đặc trưng của Thủ đô mà anh lưu giữ được qua ống kính, hoặc từ các bức ảnh về Hà Nội do nhiếp ảnh gia và nhà sưu tầm cung cấp. Mỗi lần như vậy, anh luôn xin phép tác giả trước khi tái hiện, đồng thời lồng ghép dấu ấn cá nhân độc đáo vào tác phẩm trước khi chia sẻ lên mạng xã hội.

Luận thường đạp xe dạo quanh các con phố Hà Nội để tìm kiếm nguồn cảm hứng cho tác phẩm của mình, hai bức tranh “Lối về” và “Đợi” cũng được hình thành từ những chuyến đi này.

Luận luôn dành sự ưu ái đặc biệt cho những gánh hoa ven phố, anh xem đây là nguồn cảm hứng chủ đạo cho nhiều tác phẩm của mình.

Trong số đó, bức tranh mà Luận tâm đắc nhất chính là “Hanoi house coffee”, được vẽ vào thời điểm giãn cách xã hội do dịch Covid-19 cuối năm 2021. Cảm hứng sáng tác đến từ sự giao thoa giữa ánh nắng vàng rực rỡ và vẻ đẹp cổ kính của Thủ đô. Đối với anh, tác phẩm này không chỉ thể hiện vẻ đẹp tinh túy của Hà Nội mà còn truyền tải những cảm xúc lạc quan trong bối cảnh dịch bệnh khi ấy.

Luận đã bỏ ra 250 giờ để hoàn tất tác phẩm này. Đây cũng là bức kỳ công, tâm đắc nhất của anh.

“Khi sáng tác các bức tranh về Hà Nội, mình muốn mang đến một góc nhìn mới cho những ai yêu thích khám phá vẻ đẹp của Thủ đô, khác với việc chỉ nhìn qua con mắt của mình hay qua những bức ảnh. Những tác phẩm này không chỉ là những hình ảnh đơn thuần, mà còn chứa đựng cảm xúc và tinh thần của thành phố. Qua từng nét vẽ và khối màu, người xem sẽ cảm nhận được sự khác biệt và những cảm xúc chân thật, từ đó có thể trải nghiệm vẻ đẹp của Hà Nội theo cách mới mẻ và độc đáo hơn”, Luận hy vọng.

Nguyễn Văn Luận mong muốn các tác phẩm của mình sẽ khơi dậy niềm yêu mến và niềm tự hào của mọi người đối với Hà Nội.

Nguyễn Tường, 22 tuổi, một khán giả trung thành của các tác phẩm do Luận vẽ, chia sẻ: “Lần đầu chiêm ngưỡng những bức tranh về Hà Nội của anh, tôi nhận ra mình đã hiểu quá ít về thành phố mình đang sống. Trước đây, tôi chỉ thấy Hà Nội là một nơi nhộn nhịp, đông đúc và có phần hối hả. Nhưng qua góc nhìn của Luận, tôi khám phá ra một Hà Nội ấm áp và nhẹ nhàng hơn, với những khoảnh khắc bình yên đầy cuốn hút. Tôi cảm nhận được tình yêu sâu sắc của anh đối với quê hương và nét đẹp văn hóa đặc trưng của thành phố này”.

Với phong cách nghệ thuật độc đáo và tình yêu mãnh liệt dành cho Hà Nội, Luận cho biết anh đang nỗ lực chuẩn bị cho một triển lãm tranh bằng bút bi về Thủ đô trong 2-3 năm tới, nhằm mang đến cho mọi người không gian thưởng thức và cảm nhận vẻ đẹp của mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Bài, ảnh: HẢI LY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Link nội dung: https://wordplay.edu.vn/tranh-ve-ca-chep-bang-but-chi-a78818.html