Trong một đoạn phim tóm tắt “Tam quốc diễn nghĩa”, sau khi giới thiệu qua ba thế lực lớn thời Tam quốc và ba nhân vật quyền lực Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền, người dẫn truyện cho biết không có ông nào trong ba ông này thắng. Thế rốt cuộc ai thắng? Là ông Ý. “Ông Ý” không phải là nói trại của “ông ấy” mà để chỉ nhà quân sự và chính trị Tư Mã Ý - kẻ mỉm cười sau cùng trên bàn cờ tam quốc. Ông là minh chứng cho câu nói của cựu cầu thủ người Đức Franz Beckenbauer: “Kẻ mạnh chưa chắc đã là kẻ chiến thắng, kẻ chiến thắng mới chính là kẻ mạnh”.
Trong tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa”, Tư Mã Ý dù xuất thân từ gia tộc có gốc gác quyền quý nhưng lúc mới xuất hiện, ông khá mờ nhạt bên cạnh những nhân vật như Lưu Bị, Tào Tháo, Quan Vũ, Khổng Minh… Thế nhưng, sau bao nhiêu cuộc chiến và lục đục nội bộ, các anh hùng hào kiệt nổi tiếng dần qua đời, chỉ vài người nhận cái kết bình an, viên mãn, trong đó có Tư Mã Ý. Dù không phải ai cũng yêu thích nhân vật “sống dai thành huyền thoại” này, hầu hết người biết về ông đều phải công nhận ông là kẻ đại nhẫn, biết người biết ta và nhạy bén về thời cuộc. Khi làm cấp dưới cho Tào Tháo đa nghi, Tư Mã Ý luôn khiêm nhường, tận tụy, giấu bớt tài nghệ để tránh “công cao quá chủ”. Nhờ biết ứng xử mềm dẻo, “không một động tác thừa”, Tư Mã Ý đã sống sót qua bốn đời chúa công họ Tào dù luôn bị nghi kị. Cuối cùng, ở tuổi gần đất xa trời, ông lật kèo được gia tộc Tào và nắm quyền lực trong triều đình nước Ngụy. “Thanh kiếm” mà ông tốn 20 năm mài giũa đã vung lên thành công chỉ trong một lần ở sự biến Lăng Cao Bình. Từ đây, Tư Mã Ý tạo tiền đề cho cháu trai mình thống nhất Trung Hoa, kết thúc thời kỳ Tam quốc và lập ra nhà Tây Tấn.
Trái ngược với Tư Mã Ý, một mưu sĩ của Tào Tháo là Dương Tu thường cậy tài, khoe khoang, nhiều lần lỡ chọc giận chúa công. Dù Dương Tu vô cùng thông minh nhưng vì quá hiểu tâm tư Tào Tháo, đã khiến thừa tướng cảm thấy bất an và mất uy nên dần bị ghét, cuối cùng bị chém đầu. Trước đó, khi một người hỏi Tư Mã Ý về Dương Tu thì Ý nhận xét: “Thông minh! Thật là thông minh! Người thông minh tới mức độ này… sống không lâu đâu. Dương Tu tự cho mình tài cao, nhiều lần đoán được thừa tướng nghĩ gì. Thần tử như vậy chẳng phải phạm đại kỵ của thừa tướng sao? Người làm chủ không thích thuộc hạ không hiểu tâm ý của mình nhưng cũng không thích thuộc hạ quá hiểu mình. Trong hai loại người này, người chủ luôn ghét loại thứ hai hơn”.
*
Một cụ ông từng là chiến sĩ Tây Tiến và chiến sĩ pháo binh ở Điện Biên Phủ đã dành cả đời dạy ba đứa con theo mấy phương châm:
- Rèn luyện lời nói thật sắc sảo, không ăn nói tùy tiện, thừa thãi.
- Nếu chọn nghề hoạt động độc lập, phải có chuyên môn giỏi để không dễ bị thay thế.
- Khiêm nhường, không bất chấp tranh vị trí số một. “Ai nhất thì tôi nhì/ Ai mà hơn nữa, tôi thì thứ ba” (ca dao Việt Nam).
- Khi gặt hái được thành quả và tiền tài, nhớ để lại một phần nhỏ chứ đừng vơ vét hết, giống nông dân thời xưa chừa lại ít thóc vương vãi trên cánh đồng cho chim ăn, coi như đền ơn chúng đã góp phần trừ sâu bọ hại lúa.
Từ hồi các con còn nhỏ, ông cụ đã dạy chúng ăn mặc giản dị, đừng xuôi theo trào lưu, đừng tỏ ra quá nổi bật giữa đám đông. Bởi cụ Nguyễn Du vẫn nói: “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Nhiều chục năm sau, các con của ông cụ đều trở thành người lương thiện, có công việc ổn định, thành đạt vì đã kiên trì vâng theo lời cha dạy. Càng lớn tuổi, đường đời càng rộng mở, thần thái càng cuốn hút nhờ khí chất và học thức. Lúc đầu xanh tuổi trẻ, họ chuyên tâm “mài sắc bảo kiếm” của mình, kiên trì rèn luyện bản thân, không hám danh. Để rồi khi những người đồng trang lứa đã cạn bầu nhiệt huyết, “thanh kiếm” mài lâu năm của họ mới thực sự được tuốt khỏi vỏ và đi những đường sắc bén.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Lão Tử nói: “Không tự đắc nên minh bạch, rõ ràng. Không khoe khoang nên được thừa nhận. Không tranh đấu nên thành đạt. Chính vì không tranh với ai nên không ai có thể tranh được với ta”. Người có thể mỉm cười sau cùng chính là người luôn biết khiêm nhường và nhẫn nại đến cùng.
Ths-Bs Lan Hải
Link nội dung: https://wordplay.edu.vn/thong-minh-that-la-thong-minh-nguoi-thong-minh-toi-muc-do-nay-song-khong-lau-dau-a77361.html