Làm thế nào để bài thuyết trình trở nên ấn tượng?
Thuyết trình giúp hoàn thiện kĩ năng trình bày trước đám đông, làm việc nhóm cũng như thiết kế slides, xử lý tình huống. Vì vậy, đây là một loại bài tập thông dụng trong các trường học.
Bên cạnh hình thức thuyết trình truyền thống là diễn thuyết kết hợp trình chiếu slides, các bạn học sinh sinh viên luôn cố gắng để đổi mới và sáng tạo thêm nhiều hình thức mới mẻ để bài thuyết trình hấp dẫn hơn.
Đặng Thị Hồng Hoa (19 tuổi, Bắc Giang) chia sẻ về cách bạn thường làm để bài thuyết trình được ấn tượng hơn: "Để khiến bài thuyết trình ấn tượng hơn, đầu tiên chúng mình đã chuẩn bị kĩ phần nội dung và có liên hệ thực tiễn, thiết kế Powerpoint sao cho phù hợp với nội dung, ít chữ, nhiều hình ảnh mà vẫn độc lạ, đẹp mắt.
Đặc biệt chúng mình thường lên kịch bản thuyết trình theo những hình thức khác nhau như diễn kịch, tổ chức chương trình, chơi trò chơi, cuộc thi… kèm theo nhiều video, hình ảnh hấp dẫn, bắt trend, thu hút các bạn gen Z.
Ngoài ra, chúng mình thường tập duyệt trước nhiều lần có bài thuyết trình hoàn chỉnh nhất, phòng những tình huống bất ngờ không kịp xử lí".
Một bài thuyết trình độc đáo chắc chắn sẽ thu hút sự theo dõi của khán giả. Bạn Nguyễn Xuân Ly (19 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, nhóm thuyết trình của cô bạn nhận được rất nhiều lời khen và những tràng pháo tay khi trình bày theo hình thức mới lạ.
"Do có sự chuẩn bị và đầu tư kĩ cho buổi thuyết trình nên nhóm mình thường được sự quan tâm, lắng nghe và hưởng ứng nhiệt tình không chỉ của thầy cô mà còn của các bạn cùng lớp.
Mình nghĩ đây là một thành công của nhóm mình khi những bài thuyết trình tạo được sự thu hút, hào hứng với các bạn cùng lớp chứ không gây nhàm chán, buồn ngủ", Xuân Ly chia sẻ.
Những bài thuyết trình độc đáo, ấn tượng
Rất nhiều hình thức thuyết trình độc đáo được các bạn học sinh, sinh viên sáng tạo để gây ấn tượng với khán giả. Minh Anh (19 tuổi, Quảng Ninh) kể về một lần thuyết trình mà cô bạn ấn tượng nhất khi học môn Ngôn ngữ Báo chí.
"Lần thuyết trình mình thấy sáng tạo và ấn tượng nhất là bài thuyết trình môn chuyên ngành. Nhóm mình đã xây dựng kịch bản cụ thể, chắt lọc những nội dung cần thiết nhất để đưa vào bài. Chúng mình viết kịch bản dựa trên sự kết hợp giữa hai chương trình ăn khách là "Vua Tiếng Việt" và "Đường lên đỉnh Olympia".
Chương trình lần lượt trải qua các cuộc thi với các câu hỏi có nội dung liên quan tới bài học. Nhóm mình có sự tương tác khá tốt khi thêm vào phần khán giả trả lời câu hỏi và trao phần thưởng từ "cố vấn chương trình" là giảng viên bộ môn. Đến bây giờ, không khí sôi nổi của buổi thuyết trình vẫn khiến mình thấy thích thú".
Còn với Xuân Ly, bài thuyết trình khiến cô bạn ấn tượng nhất là bài thuyết trình môn Chính trị học với chủ đề tư tưởng Pháp gia: "Vì môn đại cương khá khó nhớ, khó hiểu và dễ gây buồn ngủ nên thay vì thuyết trình lần lượt từng nội dung, nhóm mình đã thuyết trình theo hình thức diễn kịch Táo quân lên chầu Ngọc hoàng để tìm ra cách thức trị nước, vận dụng theo tư tưởng Pháp gia, với sự đầu tư về dụng cụ, trang phục cũng như linh hoạt cách thuyết trình theo nhiều hình thức: hát, vè, thơ, hò.
Bài thuyết trình đó không những truyền đạt được đầy đủ nội dung mà còn nhận được sự hưởng ứng của cô giáo và các bạn. Mọi người đã hào hứng và cổ vũ rất nhiều khiến không khí trở nên sôi nổi. Có thể nói, dù là môn đại cương nhưng nhờ có sự sáng tạo đó, mình cũng như cả nhóm đã nhận được sự đánh giá cao từ giảng viên và các bạn".
Thông thường, các bài thuyết trình theo phương pháp truyền thống sẽ khó tránh khỏi sự khô khan, nhàm chán. Khi được triển khai dưới các hình thức mới lạ, độc đáo, những kiến thức sẽ trở nên dễ tiếp thu hơn, học sinh, sinh viên sẽ nhớ bài và hiểu bài hơn.
Link nội dung: https://wordplay.edu.vn/nhung-bai-thuyet-trinh-hay-cua-sinh-vien-a74907.html