Rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm (15/7 âm) là Tết Trung Nguyên, hay còn được gọi là lễ Vu Lan (báo hiếu). Lê Vu Lan hay Tết Trung Nguyên vốn có nguồn gốc từ đạo Phật và bắt đầu từ sự tích bồ tát Mục Kiều Liên cứu mẹ đang bị đọa ở địa ngủ và chịu đói, chịu khổ. Bên cạnh đó, Rằm tháng 7 cũng trùng với lễ cúng cô hồn (hay còn được gọi là lễ cúng chúng sinh/xá tội vong nhân).
Mặc dù 2 lễ này cúng trùng ngày Rằm tháng 7 nhưng nó hoàn toàn khác nhau, không nên nhầm lẫn. Cúng Vu Lan là để báo hiếu tổ tiên 7 đời, tưởng nhớ đến những người thân đã mất. Còn cúng cô hồn (chúng sinh) là có mục đích bố thí, làm phúc cho những vong hồn lang thang, không được ai thờ cúng.
Rằm tháng 7 năm 2024 rơi vào ngày Chủ nhật, 18/08 Dương lịch. Vì chính Rằm rơi vào cuối tuần nên nhiều gia đình sẽ có thời gian chuẩn bị hơn để cúng Rằm. Tuy nhiên cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh, thời gian của các gia đình mà nhiều nhà cũng đã thực hiện chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 từ ngày 11 Âm lịch trở đi.
Mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 thường bao gồm mâm lễ cúng gia tiên, mâm cúng Phật và mâm cúng chúng sinh, các bạn có thể tham khảo nhé:
1. Mâm cỗ cúng Rằm tháng 7: Cúng thần linh, gia tiên
Thực tế mâm cỗ cúng rằm tháng 7 đặt ở ban thờ thần linh, gia tiên rất giống với một mâm cỗ trong ngày Tết truyền thống của người Việt. Thông thường, gia chủ phải chuẩn bị 2 phần để cúng đó là mâm lễ vật và mâm cỗ có thể là chay hoặc mặn tùy theo ý muốn của mỗi gia đình.
Mâm lễ vật sẽ bao gồm: 1 đĩa trầu cau, 1 đĩa trái cây hoặc mâm ngũ quả, trà, rượu, hương, vàng mã (quần áo, giày dép, áo bào, cung điện, đồ trang sức...), đèn cầy.
Các lễ vật cúng Rằm tháng 7 (Ảnh: Vũ Thu Hương).
Ở mâm cỗ thì có thể đó là mâm cỗ chay hoặc mặn:
- Với mâm cỗ cúng rằm Tháng 7 là cỗ mặn sẽ bao gồm các món ăn truyền thống như xôi (đậu xanh hoặc gấc...), giò lụa, nem rán, canh măng khô/ canh bóng bì, miến xào hoặc rau củ quả xào thập cẩm, canh rau củ... Hoặc trên mẫm cỗ mặn có thể là các món ăn hiện đại, phù hợp với khẩu vị và sở thích của gia chủ.
Mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 là cỗ mặn thường sẽ giống mâm cỗ Tết.
- Nếu chuẩn bị một mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 là chay, bạn có thể chuẩn bị các món chay ngon theo như sở thích, nhiều màu sắc rồi sắp xếp thành một mâm cỗ để dâng lên tổ tiên, tương tự như mâm cỗ cúng Phật.
Mâm cỗ chay cúng gia tiên với nhiều món hấp dẫn (Ảnh: Trần Nha Trang)
2. Mâm cỗ cúng Rằm tháng 7: Cúng Phật
Nếu gia đình nào có ban thờ Phật sẽ thực hiện thêm mâm cỗ này.
Ban thờ Phật vốn là ban thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Rằm tháng 7 là lễ lớn rất có ý nghĩa đối với những người theo đạo Phật cũng chính là ngày lễ Vu Lan báo hiếu.
Mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 dành để cúng Phật thường gồm các lễ vật như: 1 lọ hoa tươi (hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn... ), 1 đĩa ngũ quả và một mâm cỗ chay gồm các món như giò chay, rau thập cẩm xào chay, nem chay, canh rủ chay hoặc bất cứ món chay nào bạn thích, quan trọng nhất vẫn làm tấm lòng thành tâm, hiếu kính của gia chủ.
Lưu ý: Thời gian cúng Phật nên là ban ngày.
Mâm cỗ chay cúng Phật (Ảnh: Trần Nha Trang)
3. Mâm cỗ cúng Rằm tháng 7: Cúng chúng sinh (cúng cô hồn)
Nếu gia chủ ý muốn cúng cúng sinh và thật sự hiểu biết về lễ cúng này thì có thể chuẩn bị một mâm cỗ đơn giản để cúng.
Lưu ý: Mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 để cúng chúng sinh sẽ được thực hiện ở ngoài trời, tuyệt đối không làm trong nhà.
Thời gian cúng chúng sinh thường là buổi chiều tối ngày 14/7 hoặc 15/7 Âm lịch. Theo quan niệm dân gian, đây là thời gian Diêm Vương mở cửa Ngũ môn để các linh hồn trở về Dương thế nên thích hợp nhất để thực hiện lễ cúng.
Mâm cỗ cúng cô hồn thường bao gồm các lễ vật như: Tiền vàng, quần áo chúng sinh, hoa tươi, mâm ngũ quả, 1 đĩa muối, 1 đĩa gạo, các bát cháo trắng, các cục đường thẻ, bỏng, khoai lang luộc, ngô luộc, sắn luộc, mía (để nguyên vỏ và chặt từng khúc dài khoảng 15cm), bánh kẹo các loại, tiền trần (chủ yếu là tiền lẻ), 3 ly nước nhỏ, 3 cây nhang, 2 cây nến...
Lưu ý: Nếu gia chủ muốn cúng cô hồn thì chỉ được cúng đồ chay, không cúng đồ mặn. Theo quan điểm dân gian, nếu thực hiện cúng cô hồn mà cúng món mặn sẽ khơi dậy tham, sân, si của các vong hồn nên cần phải tránh.
4. Tham khảo một vài mâm cúng Rằm tháng 7 đầy đủ nhất lại dễ thực hiện
Mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 này là mâm cỗ chay với các món: - Xôi ngũ sắc cẩm tú - Giò nấm - Đậu hũ sốt nấm - Chả quế chay - Phù trúc xào thập cẩm - Nấm rơm kho - Canh cải thảo ngô nấm (Ảnh: Trần Nha Trang)
Mâm cỗ cúng rằm tháng 7 này là cỗ chay gồm các món: - Giò nấm - Nem rán chay - Cuốn ngũ sắc - Xiên nướng BB - Cơm cuộn rong biển - Phở cuốn - Salad nhiệt đới sốt chanh leo - Canh nấm đậu hũ ngũ sắc - Xôi hoa sen - Bánh bao hoa sen - Chè bưởi - Thạch hoa sen & bánh xu xê - Trà ướp hoa sen (Ảnh: Vũ Thu Hương)
Mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 này gồm các món ăn như gà luộc, sushi cơm cuộn, nem cuốn, cơm sen, chim tần, nộm tôm, tôm hấp và các loại hoa quả, bánh trái.
Một mâm cỗ chay có nhiều món từ rau và nấm (Ảnh: Bùi Hải Yến).
Mâm cỗ cúng rằm tháng 7 này là cỗ mặn với nhiều món dễ làm (Ảnh: Lê Thu Nga).
*Thông tin trong bài mang tính chất chiêm nghiệm, tham khảo.
Link nội dung: https://wordplay.edu.vn/cach-sam-do-le-cung-ram-thang-7-a72424.html