Quảng trường Concorde và Khải Hoàn Môn là 2 trong những điểm tham quan nổi tiếng ở kinh đô ánh sáng. Đây không chỉ là những công trình kiến trúc độc đáo mà còn là biểu tượng, chứng nhân lịch sử của nhân dân Pháp trong các giai đoạn cách mạng và đế chế giữa thủ đô Paris.
Quảng trường Concorde có diện tích 7,6ha với kiến trúc hình bát giác.Quảng trường lớn nhất Paris
Tọa lạc ở phía Đông đại lộ Champs-Élysées, Concorde nằm ngay bên bờ sông Seine, thuộc Quận 8, thủ đô Paris. Với diện tích 7,6 ha, Concorde là quảng trường công cộng rộng lớn nhất Paris với kiến trúc hình bát giác.
“Quảng trường Concorde được khởi công xây dựng vào năm 1748, theo đồ án của kiến trúc sư Ange Jacques Gabriel và hoàn thành năm 1763. Concorde ban đầu có tên là quảng trường vua Louis XIV. Năm 1792, quảng trường được đổi tên thành Place de la Revolution (Quảng trường Cách mạng). Sau cuộc Cách mạng Pháp, quảng trường lại mang tên quảng trường vua Louis XVI. Đến tháng 7/1830, quảng trường được đổi tên mới là quảng trường Concorde cho đến ngày nay”, anh Võ Trọng Lĩnh, hướng dẫn viên giới thiệu với chúng tôi.
Khách du lịch Việt Nam chụp hình lưu niệm ở Khải Hoàn Môn.Giữa quảng trường rộng mênh mông, cột đá Obélisque hiện lên sừng sững như một thanh kiếm khổng lồ. Cột đá được lắp đặt ngay chính giữa của quảng trường Concorde với bệ đỡ cao 9m, đỉnh chóp của cột đá cao tới 3m. Cột đá nặng 227 tấn, được tạo tạc từ một tảng lớn nguyên khối đá syenite hồng đắt đỏ và quý hiếm. Cột đá chính là đài tưởng niệm, là món quà Ai Cập tặng Pháp vào năm 1831 và được dựng lên thành công trong sự reo hò, chiêm ngưỡng của hơn 20.000 người. Bốn góc chiếc cột đều có tạc cổ ngữ tượng hình mạ vàng ghi lại các sự kiện từ triều đại vua Ramses Đệ Nhị và Ramses Đệ Tam.
Sau những lời thuyết minh ngắn gọn của hướng dẫn viên, đoàn chúng tôi nhanh chóng tập trung chụp hình với cột đá Obélisque giữa quảng trường Concorde mênh mông nắng đẹp. Giữa sân, hàng ngàn người vẫn rảo bước dạo quanh các công trình kiến trúc, vừa ngắm nhìn vừa chụp hình lưu niệm. Ngoài cột đá - đài tưởng niệm Ai Cập Obélisque, đài phun nước cũng là góc chụp hình đẹp nhất ở quảng trường này. Theo quan sát của chúng tôi, 2 đài phun nước ở quảng trường Concorde đều được chạm trổ tinh xảo nằm ở đầu phía Bắc và phía Nam. Ở phía trên mỗi đài đều được gắn các bức tượng hải thần và thủy thần, nhằm đánh dấu các tiến bộ vượt bậc của nước Pháp trong việc phát triển ngành giao thông đường thủy.
Người dân thủ đô Paris đạp xe trong quảng trường Concorde.Chị Lại Thị Thủy, du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh cho biết, đối với chị ấn tượng khó quên khi đến quảng trường Concorde là hào nước hình bát giác xung quanh quảng trường. Theo đó, mỗi góc của hào nước đặt một bức tượng, tượng trưng cho các thành phố lớn của Pháp như: thành phố nghệ thuật Lille, thành phố cảng Nantes, thiên đường rượu vang Bordeaux, thành phố cổ kính Strasbourg...
Nếu đứng giữa trung tâm quảng trường nhìn về phía Tây, du khách sẽ thấy Khải Hoàn Môn, ở phía Đông sẽ thấy công viên Tuileries, nhìn qua phía Nam sẽ chiêm ngưỡng được bờ sông Seine và Hạ viện Pháp; còn nếu chếch sang phía Bắc đền thờ Madeleine sẽ hiện ra trước mắt. “Đặc biệt, ngồi nghỉ chân ở quảng trường Concorde chúng tôi cũng có thể ngắm nhìn tháp Eiffel sừng sững. Có lẽ, đó là lý do tại sao ai cũng muốn đến quảng trường Concorde ít nhất một lần trong đời”, chị Thủy nói.
Khải Hoàn Môn - biểu tượng của tinh thần yêu nước
Rời quảng trường Concorde, chúng tôi đến Khải Hoàn Môn. Có lẽ đây là địa điểm mong chờ nhất của đoàn trong những ngày ở thủ đô Paris. Khải Hoàn Môn là điểm giao nhau của 12 đại lộ, trong đó có đại lộ Champs Elysées - đại lộ đẹp nhất thế giới.
Hiện ra trước mắt chúng tôi, Khải Hoàn Môn là một công trình đồ sộ với chiều cao là 50m, rộng 45m, có bề dày là 22m, để có thể trụ vững phần móng được đào sâu tận 9m. Khải Hoàn Môn chính là một tập hợp của những công trình điêu khắc vĩ đại. Các mặt của công trình được trang trí bằng nhiều bức phù điêu, tượng đài và khắc tên các nhân vật lịch sử nổi tiếng trong giai đoạn cách mạng và đế chế. Trong đó, bốn tác phẩm điêu khắc lớn nhất là: Xuất quân 1792, Khải hoàn 1810, Kháng chiến 1814 và Hòa bình 1815.
Đặc biệt, tác phẩm điêu khắc “Xuất quân” có tên đầy đủ là “Xuất quân của các chiến sĩ tình nguyện 1792” của nhà điêu khắc Le départ des Volontaires de. Có thể nói, bức điêu khắc đó cùng với “Ngôi mộ vô danh” là lòng biết ơn, kính trọng của người dân dành cho những vị anh hùng đã hy sinh đến hơi thở cuối cùng cho đất Pháp. Những bức điêu khắc lớn tượng trưng cho những vị tướng được dựng lên với mong muốn đem đến sự tự do, thể hiện tình yêu dân tộc sâu sắc và mong muốn xây dựng một nước Pháp hùng mạnh hơn.
Từ ý nghĩa để tưởng nhớ, ngợi ca những chiến công oai hùng của quân đội Pháp, Khải Hoàn Môn đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước. Khải Hoàn Môn từng được dùng làm địa điểm cho các lễ quốc tang. Nằm ở vị trí trung tâm của thủ đô, Khải Hoàn Môn là nơi diễn ra nhiều hoạt động, nghi thức, lễ quốc tang. Hằng năm, vào ngày Quốc khánh Pháp, diễn ra lễ diễu binh qua đây trước sự chứng kiến của đông đảo người dân Pháp. Các hoạt động văn hóa, thể thao như lễ hội, chào năm mới, giải xe đạp cũng thường diễn ra quanh Khải Hoàn Môn…
Với ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử, chính trị, văn hóa, Khải Hoàn Môn đứng thứ 10 trong các công trình thu hút nhất của Paris. Ngày này, nơi đây trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng của kinh đô ánh sáng.
Bài, ảnh: QUANG VŨ
Link nội dung: https://wordplay.edu.vn/quang-truong-concorde-a72346.html