Nhiều cha mẹ thắc mắc: Con còn đang ở cấp 2, có nên cấm con yêu hay không? Nếu cấm thì sao? Mà không cấm thì sao? Phải làm gì khi con biết yêu sớm như thế này?
Tình yêu là một tình cảm tốt đẹp của con người, vậy thì khi trẻ đến tuổi dậy thì, phát triển giới tính, xuất hiện cảm xúc với bạn khác giới là điều hoàn toàn tự nhiên. Cha mẹ cần hiểu rằng: đây không phải chuyện cứ cấm là sẽ được! Mặc dù, về thực chất, đây mới chỉ là giai đoạn trẻ chưa thực sự yêu mà chỉ “cảm nắng” hay “thích thích” một bạn khác. Do đó, vấn đề trọng tâm mà cha mẹ cần lưu ý là: làm thế nào để trẻ hiểu đúng về tình yêu?, để trẻ duy trì một tình cảm đầu đời trong sáng, đẹp đẽ trong độ tuổi học trò? Sự quan tâm đúng mức, đúng cách của cha mẹ đối với con trong việc này sẽ hạn chế được rất nhiều việc đáng tiếc: yêu quá giới hạn, hành động dại đột khi tình yêu tan vỡ. Đồng thời, còn là những tác động giúp con có động lực để học tốt hơn, sống đẹp hơn.
Hầu hết cha mẹ không ai muốn con mình yêu sớm. Nhưng như đã nói, chấp nhận là việc đầu tiên cha mẹ phải thực hành, vì vốn dĩ cảm xúc ấy là sự tự - nhiên. Cha mẹ cũng đừng quên, bản thân chúng ta khi bằng tuổi con mình cũng đã từng có những rung động đầu đời trong veo như thế! Vậy thì hãy cứ bình tĩnh và tìm thêm thông tin để đồng hành cùng trẻ, giúp trẻ xây dựng cảm xúc chân thật đó thành một trải nghiệm đẹp và giá trị đối với sự phát triển của bản thân.
Một số cha mẹ lại ngộ nhận rằng “đồng hành tức là phải biết hết” nên ngay lập tức lục tung mọi thông tin! Cha mẹ lén xem trộm nhật kí, tin nhắn điện thoại, thư từ và hình ảnh của con rồi truy vấn: “đó là ai, con nhà nào, học hành ra sao, tại sao lại thích,…”. Những hành vi này vốn không được xem là sự thấu hiểu mà ngược lại, tạo ra cho trẻ rất nhiều bất an. Bởi lẽ, cha mẹ đã “vi phạm điều khoản và chính sách riêng tư” khi xem trộm nhật kí, thư từ và hình ảnh cá nhân của trẻ; trẻ có thể từ phản ứng của cha mẹ mà cho rằng “mình không được ủng hộ về việc này”. Từ đó sẽ bắt đầu xây dựng “hàng rào bảo vệ” và không có thiện ý chia sẻ cùng cha mẹ nữa! Điều cần làm của cha mẹ chỉ là: tiếp tục làm bạn với con, làm bạn với hội bạn của con! Khi ở vai trò người bạn, hãy quan sát, trò chuyện một cách thường xuyên, bình thản, chân thành - với sự nhạy cảm của người làm cha mẹ, những thông tin về đối tượng trẻ thích/ thích trẻ sẽ dần sáng tỏ
Dành thời gian để nói chuyện với trẻ về chuyện tình yêu, mạnh dạn hỏi “con có thích hay để ý bạn nào không?”. Nếu trẻ vẫn tiếp tục giấu thì cha mẹ phải chủ động thể hiện cho trẻ biết rằng “có bạn cũng tốt, cha/mẹ muốn con với bạn giúp đỡ nhau nhiều hơn trong học tập - nếu hôm nào có thích ai đó thì cứ mời bạn đến nhà chơi, làm bài, học bài với nhau…”. Trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn để chia sẻ với cha mẹ. Với cách này, trẻ sẽ giảm bớt những hoang mang khi tự mình giải quyết những rắc rối xảy ra trong tình cảm như những vui, buồn, hờn, giận,… - vì lúc ấy, con đã có người để hỏi, để được lắng nghe và khuyên bảo. Chính việc chủ động đón nhận này, cha mẹ đồng thời đã trợ lực cho trẻ để duy trì cảm xúc trong sáng, tích cực, hạn chế sự phân tâm trong việc học hành.
Cha mẹ la mắng, cấm đoán hay làm ngơ, mặc kệ đều là những xu hướng tạo nên nguy cơ “lạc lối” cho trẻ, khi trẻ bắt đầu có rung cảm giới tính. Cha mẹ cần từ tốn trở thành “người dẫn đường” để trẻ có thể đi đúng hướng trong cả chuyện học tập lẫn tình cảm.
Một số cha mẹ cho rằng yêu sớm sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc học của trẻ. Tuy nhiên, tình cảm có những tác động tích cực nhất định đến sự hoàn thiện nhân cách. Cụ thể, tình yêu tuổi học trò có thể trở thành một trong những động lực mạnh mẽ nhất giúp trẻ học tập tốt hơn, chăm chút, yêu thương bản thân hơn. Trẻ sẽ có bạn đồng hành ở trường, cùng nhau phấn đấu, nỗ lực hơn để có thể được học chung trường khi lên phổ thông, đại học và có một cái kết tốt đẹp. Mặc khác, việc yêu sớm cũng không hẳn là xấu, nó giúp con thấu hiểu về tình yêu, suy nghĩ chính chắn và trưởng thành hơn.
Tình yêu ở tuổi học trò thường không bền vững, đa số trẻ thường dễ thích, chóng chán và hay giận hờn nhau. Khi tình cảm đổ vỡ không ít trẻ trở nên trầm tư, ưu phiền, ít nói, hay khóc, kết quả học tập sa sút. Đây là những điều cha mẹ lo lắng nhất. Cha mẹ hãy phát huy vai trò là “điểm tựa tinh thần”, chia sẻ nhiều hơn và nhắc nhở con việc học tập vẫn là quan trọng. Đừng vội chỉ trích trẻ, thay vào đó là việc tích cực tổ chức những hoạt động khác (thể thao, giải trí, sinh hoạt xã hội) để trẻ tham gia và làm dịu lại cảm xúc tiêu cực do những gãy đổ tạo nên. Trẻ sẽ cảm thấy bình tâm nếu nhận được sự an ủi chân thành từ cha mẹ: “cũng buồn thật đấy, nhưng đúng là chúng ta nên rút kinh nghiệm con thấy đúng không! Tụi con còn trẻ nên dễ ngộ nhận/ Tình cảm không ép buộc được con ạ/ Thời gian phía trước còn dài, còn nhiều điều thú vị về cuộc sống lắm đấy con/ Buồn 1 chuyện thôi con nhé, việc học mà tụt dốc nữa thì lại buồn thêm thì không đủ sức đâu con,…”. Điều quan trọng là cha mẹ hãy cho trẻ thấy bước qua những “vết cắt” này, trẻ sẽ thấy mình dạn dĩ, mạnh mẽ và chính chắn như thế nào để trẻ thực sự hiểu: trải nghiệm tích cực sẽ giúp mình trưởng thành ra sao.
>>> Xem thêm:
Bí quyết để dạy con trở thành đứa trẻ hạnh phúc là gì?
21 lời nhắn nhủ từ con yêu mà cha mẹ không ngờ đến
Con bạn có đang trở nên xa cách với gia đình không?
Link nội dung: https://wordplay.edu.vn/neu-mot-ngay-con-biet-yeu-a69134.html