Giáo viên "quan hệ trên mức tình cảm" với học sinh vi phạm điều luật nào?

Hành vi quan hệ bất chính với một người dưới 16 tuổi có vi phạm pháp luật

Thưa luật sư, hành vi quan hệ bất chính với một người dưới 16 tuổi có vi phạm pháp luật hay không? Nếu có thì hình thức xử phạt cho hành vi này như thế nào?

Giáo viên quan hệ trên mức tình cảm với học sinh vi phạm điều luật nào? - 1

L.S Lam Điền: Quan hệ bất chính là một khái niệm rất rộng, đầu tiên chúng ta cần xác định quan hệ bất chính là như thế nào, ví dụ như những quan hệ không đúng với đạo đức xã hội hay không đúng pháp luật. Nếu như thực sự quan hệ tình dục đã xảy ra thì đó đúng là một dạng quan hệ bất chính. Nhưng nếu chỉ dựa trên những tình tiết như những tin nhắn hẹn đi đâu đó, tìm thấy áo ngực hay bao cao su trong phòng khách sạn mà khẳng định cô giáo này đã có quan hệ tình dục với nam học sinh thì hơi vội vàng và cần thông qua điều tra của cơ quan chức năng.

Về đặc điểm sinh học, việc người nam bị ép buộc, cưỡng bức quan hệ tình dục rất khó xảy ra. Theo những tin nhắn và thực tế điều tra thì nam học sinh và cô giáo đang có quan hệ yêu đương. Trong trường hợp này, cô giáo này có thể bị kết tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144); Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145); Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146). Căn cứ vào từng loại tội thì mức hình phạt thấp nhất có thể là 06 tháng tù giam.

Thưa luật sư, hành động chung sống với người đã có gia đình và gây ra sự tan vỡ trong hôn nhân của cô giáo này có phải chịu trách nhiệm gì trước pháp luật hay không?

Giáo viên quan hệ trên mức tình cảm với học sinh vi phạm điều luật nào? - 2

L.S Lam Điền: Nam học sinh này đang ở trong độ tuổi dưới tuổi chịu trách nhiệm đối với tội danh thông thường và trong tuổi chịu trách nhiệm với tội danh nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc vi phạm chế độ hôn nhân 1 vợ 1 chồng thì không được pháp luật quy định là tội danh nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, trong trường hợp này em học sinh nam sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp luật đối với chế độ hôn nhân 1 vợ 1 chồng.

Nếu nói em học sinh nam gây ra sự tan vỡ cho gia đình cô giáo thì cũng có phần khiêng cưỡng. Bởi vì hạnh phúc hôn nhân của 2 người bị đổ vỡ có thể đến từ nhiều nguyên nhân, không hẳn chỉ 1 nguyên nhân như thế này. Vì vậy theo quan điểm của tôi, em học sinh này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những hành vi mà em đã gây ra.

Trong quá trình xảy ra sự việc, cô giáo liên tục nói và đưa ra những bằng chứng chồng mình cố tình dàn dựng để ly dị với cô. Nhưng thực sự, cô không hề bị chồng vu oan. Vậy hành động nói chồng mình vu khống có là tình tiết tăng nặng tội cho cô giáo này hay không thưa luật sư?

Hành động nói chồng mình vu khống có là tình tiết tăng nặng tội cho cô Hạ hay không

L.S Lam Điền: Ở đây, cô giáo sẽ không phạm tội vu khống. Bởi vì vu khống là nói rằng một người đã làm một hành vi gì đó ảnh hưởng đến mình. Nhưng trong trường hợp này, người chồng đã đưa ra những sự việc để minh họa và những sự việc đó sau này là đúng.

Việc cô giáo luôn phủ nhận và nói chồng mình vu khống là hành vi chối tội. Giả sử, vụ án được khởi tố và cô giáo này bị khởi tố bị can thì đây được xem là một tình tiết để tăng nặng khi lượng hình. Đây là tội che giấu hoặc không thành khẩn khai báo chứ không phải vu khống chồng mình

Ngay từ lúc mọi việc vẫn chưa được sáng tỏ thì cộng đồng mạng đã phán xét, đem hình ảnh của cô giáo và em học sinh để bôi nhọ, sỉ nhục. Những hành vi này có xem là vi phạm pháp luật không thưa luật sư?

Những hành vi phán xét, sỉ nhục của cộng đồng mạng có vi phạm pháp luật?

L.S Lam Điền: Theo nguyên tắc trên pháp luật, một người chỉ được xem là có tội khi họ có hội đồng xét xử đã xét xử, có bản án và bản án có hiệu lực pháp luật. Còn thông thường vẫn phải dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội. Đến giờ, cô giáo vẫn chưa bị khởi tố bị can nên chỉ xem như là vi phạm đạo đức xã hội.

Những hành vi giả mạo tin nhắn, phát tán các hình ảnh cá nhân của người khác để bôi nhọ, tạo ra tin nhắn giả phát tán trên mạng xã hội của một số người được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, cá nhân soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống; bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp tổ chức, cá nhân khác phải gỡ bỏ thông tin và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Hành vi trên có thể phải bồi thường thiệt hại theo qui định của Bộ luật Dân sự 2015 và bị xử phạt hành chính theo qui định tại nghị định 174/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác hoặc Tội vu khống tại Điều 155 và 156 BLHS hiện hành.

Việt Khuê

Bài, clip: Nguyễn Quang- Như Quỳnh

Link nội dung: https://wordplay.edu.vn/hoc-sinh-quan-he-trong-khach-san-a69000.html