Các thư xin ở nhờ Couchsurfing của mình đi Salzburg (Áo) trong mấy tuần vẫn chưa có ai nhận lời. Người nhận lời thì ở quá xa trung tâm. Thế là chiều 16/09, chỉ còn mấy tiếng nữa bay mà mình vẫn chưa biết ở đâu khi tới Salzburg.
Ron, một trong những Couchsurfing cuối cùng mình xin ở nhờ, hồi âm xin lỗi là không host được. Mình lịch sự đáp (mà lòng tê tái) rằng thôi vậy hi vọng sẽ có dịp gặp anh trong tương lai. Nếu mình thất vọng quá mà im luôn thì mình đã không có chỗ ở, vì khoảng 3 tiếng sau, anh chàng hỏi mình có chỗ ở chưa, dạ chưa, nếu nửa đêm mà em vẫn chưa có ai host thì em báo anh. 3 giờ sáng, tới giờ ra sân bay rồi mà vẫn chưa ai nhận host. Khi đang ngồi trên chuyến xe bus đêm, mình nhắn cho anh chàng mà thắc thỏm. Trưa, mình đến sân bay Salzburg.
“Em ngồi chờ tí nha, 12 giờ anh đến nơi. Đang chạy xe từ Vienna về”, Ron nhắn.
Thiệt chưa có host nào làm mình cảm động đến thế. Mình còn đang ngơ ngáo tìm ảnh trong đám đông thì đã thấy ảnh vẫy tay bước tới rồi. Ôi mạ ơi đôi mắt xanh biếc lông mi cong vút khuôn mặt điển trai và mái tóc nâu của anh chàng làm tim mình kêu cái thịch. Mình không biết mặt Ron vì ảnh để hình đại diện ngược sáng, đâu biết lại đẹp thế này.
Căn hộ của anh có một khu vườn rộng rãi với bí, chanh, nho, táo và hoa. Nhà anh ngăn nắp sạch sẽ. Anh tự thiết kế nội thất, cưa xẻ lắp ráp phối này phối nọ. Mình ấn tượng một loạt các lọ thủy tinh đựng nhiều loại gia vị, bột và các loại mì trong bếp. Các ngăn kệ đó là anh tự làm. Điều mình ấn tượng khi ở nhờ ở châu Âu là 95% đàn ông con trai da trắng mình đã ở nhờ đều ở rất gọn gàng chỉn chu sạch sẽ và giỏi việc nhà.
Ron hướng nội, 36 tuổi gì mà nói năng nhỏ nhẹ, cười bẽn lẽn, rụt rè như một chú mèo con. Anh mới bỏ việc sau 10 năm làm ở một công ty để bỏ hết, xách ba lô đi Nepal tập thiền và leo núi. Không biết ngày về. Cứ đi thôi.
Mục tiêu của mình đến Salzburg chỉ là để lần theo dấu vết của một bộ phim mình mê mẩn từ nhỏ tới giờ, “The sound of music” (1965). Thành phố Salzburg nhỏ bé thanh bình vẫn bảo tồn rất tốt văn hóa, kiến trúc và thiên nhiên nên dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, mọi thứ dường như vẫn còn y nguyên.
Khắp thành phố Salzburg thời điểm mình đến (17-19/09/2018) đều đầy cờ Áo và Liên minh châu Âu bay phấp phới, vì 19-20/09 ở đây có cuộc họp lãnh đạo các nước EU để bàn về Brexit, di dân và an ninh. Thậm chí một Couchsurfing host đã hù trên profile là “Đừng tới Salzburg ngày 19, tụi mày sẽ kẹt cứng không đi đâu được đâu”. Hên là mình tới trước vài ngày.
Mình lần theo dấu vết phim. Đây là con đường làng có hai hàng cây xanh ngắt thật dài dẫn tới nhà của Đại tá Georg von Trapp khi cô nhận việc trông trẻ cho gia đình này. Cô xách va li và hát bài “I have confidence“.
Mình đã phải ghìm tiếng hét lên sung sướng khi nhìn thấy cảnh này - bờ sông Salzach đầy cỏ xanh vẫn như xưa. Nó y chang như những gì mình thấy trong cảnh cô Maria và 7 đứa con ông Đại tá xách làn trái cây chạy nhảy trên trảng cỏ bên bờ sông và hát bài Doremi.
Ngoài thấy lại kí ức trong phim, mình còn vui vì bờ sông ở đây không bị kè bê tông như sông Thames ở London, sông Seine ở Paris và Danube ở Budapest. Nó cũng y như cảm giác hạnh phúc của mình khi nhìn trảng cỏ xanh mướt dọc sông Hương ở Huế chứ không phải sông ở nội thành Sài Gòn, Hà Nội.
Kia là pháo đài Hohensalzburg nổi tiếng của Salzburg, làm nền trong cảnh hát Doremi. Đây là nơi mà mọi du khách thường tới vì nó như là biểu tượng của thành phố, nên mình không tới. :v Mình mua cây kem, vừa ăn vừa bách bộ dọc bờ sông, rồi leo xuống thảm cỏ gần nước, nằm ngắm trời ngắm mây, nghe tiếng nước chảy qua những phiến đá, nghe tiếng chuông nhà thờ ngân vang. Quay qua một bên là mình thấy những đóa hoa dại li ti màu vàng màu tím xung quanh. Cỏ xanh ngắt, mát rượi. Thế là bày trò tự chụp ảnh bằng DSLR camera. Chụp 20 tấm mới được 1 tấm không bị lệch bị mất này sót kia hí hí. Không hiểu sao chụp gần lại ra nước màu đẹp thế.
Rồi mình vào công viên Mirabelle Garden trong trung tâm Salzburg, cảnh các cô cháu hát bài Doremi. Đài phun nước vẫn còn đó, những luống hoa công viên vẫn còn đó, những bức tượng vẫn còn đó. Ông chú kia còn bày trò làm bong bóng. Đây là cái cổng mà cô Maria và tụi nhỏ đứng hát và bắt chước nhoài người.
Xem phim thấy cánh cổng vòm dây leo này, mình không nghĩ là một bên nó lại sát ngay tường như vậy. Hi hi. Giờ xem kỹ lại thì đúng là một bên người ta làm tối đi để có cảm giác cổng vòm này đứng độc lập. Cô Marie và lũ trẻ chạy zigzag trong này he he.
Công viên Mirabelle, cảnh cuối của vụ hát hò Doremi của mấy cô cháu.
Dinh thự Leopoldskron của gia đình Von Trapp trong phim. Đây là cái hồ mà cô Maria và bọn trẻ đi thuyền và té xuống hồ khi thấy ông Đại úy về. Sau đó ổng la tụi nó té tát và la luôn cổ. Cổ cũng đâu có vừa, đứng cãi tay đôi với ổng. Đẹp đôi thế chứ he he. Mình đứng từ bờ này nhìn qua (vì không được vào dinh thự) mà tưởng tượng cảnh hồi xưa người ta đã tức giận mở cổng trông ra hồ khi bọn trẻ té xuống nước ra sao.
Nhà vòm kiếng của cảnh hẹn hò “I am sixteen going on seventeen” của Liesl và Rolfe, cảnh tỏ tình và khiêu vũ “Something good” của Marie và Đại tá von Trapp. Nay nó được đặt tại dinh thự Hellbrunn.
Nhưng tới thì mới biết cô diễn viên vai Liesl đã qua đời. Khi coi một bộ phim cũ thì tự dưng thời gian như đã đứng lại. Với mình, người đó vẫn chỉ mãi là một cô thiếu nữ Liesl 16 tuổi trong sáng, mộng mơ và tan vỡ với mối tình đầu. Và khi tìm hiểu về hiện thực, như giờ các diễn viên đã bao nhiêu tuổi, trông ra sao, sống thế nào, thì lại là một version khác trong tâm tưởng.
Nhà thờ Mondsee Abbey (được thành lập từ thế kỷ thứ 8, nhưng nội thất thánh đường như trong ảnh là được làm từ thế kỷ 15), nơi làm lễ cưới của Maria và Đại tá đẹp trai phong độ. Vy ngồi chờ mốc mỏ vẫn chưa thấy Đại tá hay Hoàng tử nào đến rước cho má nhờ. ?
Ở nhà thờ, mình mua quà cho hai mụ chị. Ba bà con gái nhà này hồi ở Cam Ranh mở phim này coi là trời ơi hú hét đập gối đập nệm lăn lộn chịu hông nổi vì ngài Đại tá quá thu hút quá hấp dẫn quá lịch lãm. @@ Hai mụ hồi đó đã lấy chồng rồi, còn mình cũng chỉ là con ranh lớp 8, vậy mà ba mụ lăn lộn bàn tán về trai đẹp xứ người như đúng rồi. Để rồi giờ mình có dịp đến cái nơi mà ba chị em đều mơ ước, thì coi như đi thay cả phần của các chị, và thu về những kí ức chia cho hai chị. Nên hẳn là quà từ nhà thờ đánh dấu hạnh phúc của cặp đôi trong phim sẽ làm hai mụ ấy vui lắm. Mình nghĩ vậy.
Trên đường từ Salzburg tới Mondsee Abbey, mình ghé qua một cái hồ to và đặc biệt là nước có màu xanh ngọc bích rất đẹp.
Nước và núi là hai thứ ấn tượng nhất về Salzburg. Núi bao xung quanh thành phố. Ngay cả nhà host mình trông ra cũng ngay núi. Ngọn núi thường là mỏm đá nên trông chắc chắn và tạo hình nhọn đẹp. Đầu thu đã vầy, chứ mà cuối thu và vào mùa đông với tuyết trắng nữa thì thôi rồi. Còn nước thì chỗ nào cũng thấy nước xanh xanh màu ngọc. Người dân nói là do khoáng chất từ trong núi. Nước này tốt cho sức khỏe.
Nước xanh quyện cùng những ngọn núi trùng điệp xa mờ, và cả những ngôi nhà kiểu cũ làm cảnh vật ở Salzburg còn hơn cả tranh vẽ (sẽ thật vô duyên nếu tự nhiên chọt vô 1-2 tòa nhà cao tầng hiện đại - may mà họ quy hoạch tốt). Nhưng mình biết, mọi thứ đẹp hơn rất rất nhiều vào thời xưa, như thời thập niên 60 lúc quay phim ấy. Hồi mới xem phim lần đầu, mình còn tưởng là cảnh giả cơ, chứ sao mà đẹp hùng vĩ đến như thế được, mà mọi thứ lại rất gần nên tạo cảm giác như ảnh studio làm nền quay phim. Hóa ra là thật hết. Đẹp thật hết luôn. Kiểu này về già chắc mình dọn tới Salzburg ở cho rồi.
Mình lang thang dạo phố thì gặp một cụ bà mặc đồ truyền thống Dirndl của phụ nữ Salzburg. Bà thắt bím mái tóc bạc phơ và dài quá eo. Có lẽ bà thường xuyên mặc đồ này, như cách mà phụ nữ Huế và Sài Gòn xưa hay mặc áo dài, kể cả khi ra chợ đi mua hay bán. Trang phục cô Marie mặc trong phim cũng như vầy, với áo ngoài có cổ xẻ vuông và váy với một chiếc yếm đặc trưng.
Tìm thấy phở Việt ở Salzburg. Tuy không vào ăn, nhưng mình đi ngang qua mấy cái bàn ghế gỗ và tre rồi mấy lọ nước mắm để y như ở Sài Gòn mà cứ cười tủm tỉm. Giờ mới biết phở được dịch là “energy soup”. :3
Mình chui vào hẻm và lạc vào một không gian yên ắng, mát mẻ. “Văn hóa hẻm” luôn là một thứ hấp dẫn một cách huyền bí với mình. Vào hẻm khu dân cư, mình có thể lượn qua lượn lại hay đứng tần ngần mãi ở một cánh cổng nhỏ dẫn vào một cái sân đầy cây và bóng nắng nào đó. Chỉ vậy thôi mà mình như bị hút hồn luôn.
Ngoài ra thì Salzburg có kiểu lát gạch không theo kiểu dễ dàng như lát thẳng, mà là lát hình vòng cung, hay thi thoảng lượn theo một cái nắp cống tròn nào đó với viên nhỏ nhỏ xinh xinh. Công ngồi xếp các viên đó và xử lý các góc khuyết hoặc dư cũng mệt lắm đa. Mình không biết họ xếp bằng tay hay máy, nhưng riêng chuyện không muốn dễ dàng xếp đá thẳng là đã đủ làm mình khoái rồi.
Hôm cuối, mình ra ga tàu gần nhà để bắt đi Vienna, từ Vienna bắt xe đò đi Hungary. Nhìn quanh nhìn quất cả cái sân ga (ga nhỏ) chẳng thấy quầy vé đâu, cũng không có lấy nhân viên nào để hỏi. Vắng như chùa Bà Đanh. Mình vơ đại một bác gái - hành khách hiếm hoi ở đó. Bác không nói được tiếng Anh nhưng vẫn nhiệt tình giúp mình, dẫn mình tới máy mua vé tự động nhưng nó trục trặc gì đó, bác không biết giải thích thế nào, thế là lại dòm quanh quất, bác chỉ mình hay là mày tới hỏi ông kia đi.
Ông bác mặc áo xanh ấy là hành khách còn lại của ga. Mình trờ tới hỏi, may là bác nói được tiếng Anh và giúp mình mua vé. Mình qua ngồi ở sân đối diện bác nên làm quả ảnh kỉ niệm. Lát sau tàu bác tới, mình với bác còn vẫy tay toe toét cười tạm biệt khí thế. Mình luôn thích những sân ga tàu hỏa.
Ở Vienna, trong lúc chờ xe đò Hungary tới thì mình lượn vào khu mua sắm hóng wifi, ngờ đâu thấy một quầy bán đồ của các nhà sư Phật giáo Tây Tạng. Mình thử đánh chuông hết cái này tới cái kia để lựa, và cuối cùng mua một cái Tibetan singing bowl cũ màu vàng. Mình đã có 1 cái mua từ Ấn Độ, nhưng nó nứt mất tiêu vì bạn cùng lớp làm rớt. Giờ có được một em, mình sẽ lại tiếp tục dùng khi dạy trong lớp và điều phối thảo luận thuyết trình trong seminar, talkshow.
Em singing bowl mình mua khá cũ mòn rồi và cũng không được sơn (em màu vàng, hàng thứ nhất, chiếc thứ 3 từ bên trái sang, có cây gõ gỗ không đệm). Nhưng chính vì em cũ em mòn, em mang kí ức của (những) người dùng trước, và chứa trong em thời gian, nên mình thích. Nội tưởng tượng không biết chuông ấy đã được sử dụng bao lâu rồi, vị sư nào hay một người bình thường nào đã dùng em, cuộc sống tu tập của họ thế nào… là đã thấy có sự kết nối hay ho với em ấy rồi. Lý do cuối cùng là vì em có âm thanh trầm ấm hơn các chiếc khác. Đủ lí do để mua đấy chứ.
Các nhà sư này lưu vong ở Ấn Độ, đi vòng quanh châu Âu để tu tập, trao đổi kiến thức. Và trên đường thì họ mở gian hàng bán đồ để có chi phí đi tiếp. Gian hàng treo cờ Tây Tạng, ảnh Phật và dưới Phật là Dalai Lama. Trước bàn là một anh nhà sư trẻ chú tâm rót cát mịn vào một Mandala.
Vẽ mandala là một truyền thống rất hay của Phật giáo Tây Tạng. Mandala tượng trưng cho một vũ trụ hoàn hảo, và việc “vẽ” (thật ra là cà vào ống chứa cát để cát từ từ trút ra theo ý muốn) mandala đòi hỏi thẩm mỹ, sự tỉ mỉ và tập trung cao. Thế nên giống như khi ta vẽ xong một bức tranh khó và đẹp, ta thường lồng kính đóng khung hay chụp ảnh, ráng giữ nó lại vì nó quý giá. Nhưng các nhà sư Tây Tạng khi xong rồi sẽ điềm nhiên phá bỏ công trình ấy. Họ đổ cát đi. Hôm sau lại phác thảo và làm lại mandala mới. Không tiếc, không chấp. Mọi sự chỉ là vô thường, có sinh có diệt.
Nhà sư trẻ này giải thích cát được lấy từ sông, được nhuộm màu thiên nhiên từ rau củ, cây lá, chứ không dùng chất hóa học.
“Sau khi mandala bị phá bỏ, cát được đổ ra sông. Chúng hòa vào sông, nước - môi trường sống của các sinh vật khác. Vì vậy nếu chúng được nhuộm từ các nguyên liệu thiên nhiên thì sẽ không gây hại cho vạn vật”, nhà sư nói, “thiên nhiên lại về với thiên nhiên”.
Mình lên xe đò đi qua Hungary mà cứ tủm tỉm cười hoài. Ai mà ngờ mình lại tiếp xúc với Phật giáo Tây Tạng rồi chuông mõ các thứ ở một thành phố Tây như Salzburg cơ chứ.
Chuyến đi Salzburg đã giúp mình sống lại với tuổi thơ trong một bộ phim đã 53 tuổi, gần bằng tuổi má mình. Đã gần 15 năm từ lần xem đầu tiên, nhưng tới giờ, “The sound of music” vẫn là bộ phim số 1 trong lòng mình vì tính giáo dục, văn hóa của nó cũng như cảnh quá đẹp. Cảnh đẹp không phải đơn giản chỉ đẹp mà mình tới. Cái khiến mình tới chính là ký ức của bản thân cũng như hành trình tâm tưởng khi nghĩ về những đổi thay của nửa thế kỷ đã trôi qua, trong từng ngọn núi, dòng sông, căn nhà, và cả con người.
Những người năm ấy, nay cũng đã 90 (Đại tá Von Trapp), 80 (Maria - và mình gặp lại cô diễn viên Julie Andrews này trong phim “Nhật ký Công chúa” vai Nữ hoàng). Cô diễn vai con gái út Gretl với đôi má phính tròn nay cũng đã 60 tuổi. Các cô diễn vai chị cả Liesl và vai cô con gái thứ 3 Louisa thì lại qua đời.
Salzburg hiền hòa, bình yên với tiếng chuông nhà thờ, dòng sông xanh uốn lượn và những ngọn đồi, ngọn núi, trảng cỏ xanh biếc vẫn sống động trong mình. Nghệ thuật điện ảnh đã làm một cầu nối giữa một vùng đất xa xôi như Salzburg và nội tâm của một đứa ở châu Á cách vạn dặm như mình. Chỉ để làm mới lại kí ức một thời mà thôi./.