Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 22-7-2022 được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 22-7
Sự kiện trong nước
- Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Vǎn Cừ, Hà Huy Tập, ngày 22-7-1938, Báo Dân Chúng ra số đầu tiên tại Sài Gòn. Tham gia tòa soạn báo còn có các đồng chí Nguyễn Vǎn Nguyễn, Nguyễn Vǎn Kỉnh, Nguyễn Thị Lựu, Nguyễn Vǎn Trân...

Báo Dân Chúng không những là cơ quan tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, mà còn là trung tâm chỉ đạo và tổ chức phong trào đấu tranh của quần chúng đòi ân xá chính trị phạm, chống thuế... Tờ báo có uy tín lớn trong quần chúng. Số lượng phát hành ban đầu khoảng 3.000 bản sau lên tới 15.000 bản. Lo sợ trước ảnh hưởng lớn của tờ báo, đã hai lần thực dân Pháp kiếm cớ giữ những người làm báo, khám xét tòa soạn. Song nhân dân đã tổ chức 28 cuộc biểu tình và quyên góp tài chính cho báo. Tờ báo tồn tại cho đến khi Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, tổng cộng ra được 80 số.
- Vào lúc 0 giờ ngày 22-7-1954, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ra lệnh ngừng bắn trên toàn chiến trường Việt Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam cùng toàn dân kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ. Từ đây, Quân đội nhân dân Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn cùng nhân dân cả nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc và đấu tranh đòi thống nhất Tổ quốc.

- Ngày 22-7-1992, Việt Nam chính thức tham gia Hiệp ước Bali và trở thành quan sát viên của ASEAN tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN lần thứ 25 ở Manila (Philippines). Từ đây, Việt Nam tham gia từng bước vào một số cơ chế và chương trình hợp tác của ASEAN với tư cách quan sát viên.

Sự kiện quốc tế
- Ngày 22 và ngày 23-7-1994, tại Bangkok đã diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng lần thứ 27 các nước ASEAN. Ở cuộc họp này, lần đầu tiên có sự tham gia của 10 nước Đông Nam Á bao gồm sáu nước thành viên ASEAN, hai nước quan sát viên Việt Nam và Lào cùng khách mời là Campuchia và Myanmar.

Vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm trong hội nghị là việc Việt Nam gia nhập ASEAN. Hội nghị chính thức thông báo, ASEAN nhất trí hoan nghênh Việt Nam sẵn sàng gia nhập ASEAN, coi đó là một đóng góp quan trọng vào việc xây dựng Đông Nam Á hòa bình, ổn định, hợp tác, hữu nghị và phồn vinh. (Theo baothainguyen.vn)
Theo dấu chân Người - Ngày 22-7-1926, từ Quảng Châu (Trung Quốc) Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Ủy ban Trung ương Thiếu nhi trực thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin đặt vấn đề: “Chúng tôi có tại đây (Quảng Châu, Trung Quốc) một nhóm thiếu nhi An Nam. Các em đều từ 12 đến 15 tuổi. Đó là những thiếu nhi cộng sản đầu tiên của nước An Nam, bị chủ nghĩa đế quốc Pháp áp bức... Nhiều em có cha mẹ bị người Pháp bắt giam vì các em đã bỏ gia đình đi ra nước ngoài, như những người cách mạng!”. Bức thư đề nghị Ủy ban tiếp nhận một số bạn nhỏ An Nam để sau này sẽ trở thành những chiến sĩ Lêninnít chân chính nhỏ tuổi và trong thư gửi tới Đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp tại Quốc tế Thanh niên Cộng sản, Bác đề nghị ủng hộ ý định này để các em được tiếp thu một nền giáo dục cộng sản chủ nghĩa tốt đẹp.

- Tháng 7-1929, Nguyễn Ái Quốc xuất hiện tại tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan) bên bờ sông Mê Kông giáp giới với Đông Dương. Từ đây nhà cách mạng Việt Nam đã xây dựng cơ sở trong cộng đồng Việt kiều tại nhiều địa phương trên đất Thái Lan. Sau này, trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc có viết: “Đã hai lần tôi cố gắng về An Nam, nhưng phải quay trở lại. Bọn mật thám và cảnh sát ở biên giới quá cẩn mật, đặc biệt là từ khi xảy ra vụ An Nam Quốc dân đảng”.

- Ngày 22-7-1946, tiếp tục những nỗ lực ngoại giao tại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội, chính khách và gửi thư tới Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Marius Moutet thông báo có thể sẽ về nước vào đầu tháng 8 và tỏ ý tiếc rằng: “Nếu nước Pháp không thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, đó sẽ là một thiệt hại cho nước Pháp và cho cả nước Việt Nam nữa. Song đối với nước Pháp, sự thiệt thòi sẽ là vĩnh viễn, còn đối với Việt Nam, thất bại đau đớn của sự hợp tác mà Việt Nam mong muốn sẽ buộc chúng tôi chỉ còn biết trông vào sức của mình mà thôi, để tìm cách thỏa mãn những nguyện vọng của nhân dân mình”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen quân và dân Nghệ An. Ảnh: Nhandan.vn- Ngày 22-7-1968, Bác gửi thư khen quân và dân Nghệ An đã bắn rơi 400 máy bay Mỹ và biểu dương: “… Đồng bào, bộ đội và cán bộ Nghệ An hãy nêu cao truyền thống anh dũng của Xô viết Nghệ - Tĩnh… giành nhiều thành tích to lớn hơn nữa”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Cả nước đồng lòng, muôn người như một, chúng ta nhất định thắng lợi”
(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)
Đó là khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Lời kêu gọi sau Hội nghị Geneve thành công” được Người viết ngày 22-7-1954.
Trước đó, ngày 26-4-1954, khi Quân đội ta kết thúc chiến dịch tấn công đợt 2 ở Điện Biên Phủ thì Hội nghị Geneve (Thụy Sĩ) khai mạc. Tham dự hội nghị có đại diện của: Việt Nam, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Lào, Campuchia và chính quyền Bảo Đại. Trải qua 8 phiên họp toàn thể, 23 phiên họp hẹp căng thẳng, với thiện chí của phái đoàn Việt Nam, ngày 20-7-1954, Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến tranh ở Đông Dương được ký kết. Theo đó, nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền theo vĩ tuyến 17 và tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước trước tháng 7-1956. Để kịp thời thông báo kết quả hội nghị và tiếp tục khẳng định vai trò to lớn, sức mạnh vô địch của sự đoàn kết, nhất trí, sự đồng tâm, hiệp lực trong đấu tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời kêu gọi trên.
Ngay sau Hội nghị Geneve kết thúc, ngày 22-7-1954, từ Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ra sức củng cố nền hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong toàn quốc. Ảnh tư liệu: TTXVNThực hiện lời kêu gọi của Người, quân và dân ta luôn đoàn kết, nhất trí dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và giành nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Khắc ghi lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân luôn nhận thức sâu sắc sức mạnh quân đội trong kỷ luật và sự đoàn kết, thống nhất. Đây là nhân tố hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của quân đội ta. Thực tế đã chỉ rõ, thành công trong xây dựng và chiến thắng trong chiến đấu được bắt nguồn từ sự đoàn kết, thống nhất trong tổ chức, giữa lãnh đạo, chỉ huy với quần chúng, giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa quân với dân, tiền tuyến và hậu phương. Quân đội ta là quân đội cách mạng; cán bộ, chiến sĩ là những người cùng chung lý tưởng, bình đẳng về chính trị, thống nhất về mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ. Mối quan hệ giữa cán bộ, chiến sĩ được xây dựng trên cơ sở tình cảm cách mạng, tình thương yêu giai cấp, đồng chí, đồng đội.
Đoàn kết, thống nhất là truyền thống, là lời thề danh dự, nét đẹp văn hóa trong phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, là động lực, nhân tố tích cực để xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Ngày 22-7-1961, trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 920 đăng tin Hồ Chủ tịch đã ký lệnh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba cho Phân đội 40, đơn vị bộ đội đã bắn rơi chiếc máy bay C-47 của Mỹ - Diệm.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 920 ra ngày 22-7-1961.Ngày 22-7-1966, trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1887 đăng tin Hồ Chủ tịch gửi thư khen cán bộ và chiến sĩ Không quân nhân dân Việt Nam. Với nội dung: “Thân ái gửi cán bộ và chiến sĩ Không quân nhân dân Việt Nam. Trong những trận chiến đấu vừa qua, các đồng chí lái máy bay đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí, lập nhiều chiến công, hạ nhiều máy bay giặc Mỹ. Các đồng chí cán bộ và nhân viên không quân ta đều có trách nhiệm cao, tất cả đã chiến thắng. Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi tất cả các đồng chí…”.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1887 ra ngày 22-7-1966.
HUY ĐÔNG (tổng hợp)