Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 2-11-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Ngày 2-11 còn có rất nhiều sự kiện trong nước và quốc tế đáng nhớ như Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ III khai mạc, New Zealand chính thức thông qua việc sử dụng múi giờ chuẩn trên toàn quốc…
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 2-11
Sự kiện trong nước
Lữ đoàn Công binh 543 - tiền thân là Tiểu đoàn 25. Lịch sử ra đời, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lữ đoàn luôn gắn với những chiến công vang dội cùng những phần thưởng cao quý.
Phát huy truyền thống “Mở đường thắng lợi”, ngay từ khi mới thành lập, đơn vị nhanh chóng ổn định tổ chức và bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ bảo đảm công binh; không những vậy, đơn vị cũng đã nhận và hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế vẻ vang đối với nước bạn Lào.
Với những chiến công đặc biệt ấy, ngày 3-9-1973, Tiểu đoàn 25 vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày 11-6-1979, Bộ Quốc phòng ra quyết định chuyển Trung đoàn 195 bộ binh thuộc Sư đoàn 411 thành Trung đoàn Công binh 543 trực thuộc Quân khu 2. Ngày 2-11-1979, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra quyết định chuyển Trung đoàn Công binh 543 thành Lữ đoàn Công binh 543 Quân khu 2.

Với chức năng, nhiệm vụ là lực lượng công binh chiến dịch chủ yếu của quân khu, nhận rõ vinh dự và trách nhiệm lớn lao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn đã từng bước vượt qua khó khăn, thử thách; kiên cường trong chiến đấu, bảo đảm chiến đấu, xây dựng lữ đoàn trong thời kỳ mới ngày càng lớn mạnh.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập lữ đoàn và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ngày 1-12-1998, Bộ Tư lệnh Quân khu ra Quyết định số 610/QĐ-BTL công nhận ngày 2-11-1979 là ngày truyền thống Lữ đoàn Công binh 543. Từ đây, ngày 2-11-1979 chính thức là ngày truyền thống của Lữ đoàn Công binh 543 anh hùng.
Ngày 2-11-1988, tại hội trường Ba Đình - Hà Nội, đã tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ III.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ III, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 2 đến 4-11-1988. Ảnh: TTXVN.
Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương TTTQ Việt Nam gồm 166 vị; Đoàn Chủ tịch gồm 30 vị; Ban Thư ký gồm 6 vị. Chủ tịch danh dự: Cụ Hoàng Quốc Việt. Chủ tịch: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Phó chủ tịch: Luật sư Phan Anh. Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký: Ông Phạm Văn Kiết.
Sự kiện quốc tế
Ngày 2-11-1660: Alexandre de Rhodes sinh nǎm 1593 ở Avignon (nay thuộc nước Pháp) qua đời ở Iran. Ông là linh mục dòng Tên, vào Việt Nam truyền đạo Thiên chúa. Trong qúa trình truyền đạo, ông đã học tiếng Việt và cùng với các linh mục khác người châu Âu chế tác ra chữ quốc ngữ.
Ngày 2-11-1868: New Zealand đã chính thức thông qua việc sử dụng múi giờ chuẩn trên toàn quốc.
Ngày 2-11-1965: Tại Thủ đô Washington, Mỹ, trước cửa toà nhà làm việc của Bộ Quốc phòng Mỹ, anh Norman Morrison ôm chặt con gái Emily mới được 18 tháng vào ngực. Sau khi hôn con lần cuối cùng, anh tẩm xăng vào mình và châm lửa tự đốt để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Năm đó, anh Norman Morrison, một chiến sĩ hoà bình Mỹ, mới 31 tuổi.
Norman Morrison. Ảnh tư liệu.Theo dấu chân Người
Ngày 2-11-1922, trên báo “L’ Humanité” (Nhân Đạo) của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Sự chăm sóc ân cần”, bằng một giọng văn châm biếm tố cáo những chính sách cai trị của thực dân và phản bác lại những luận điệu tuyên truyền của Toàn quyền Đông Dương Anbe Xaru.
Ngày 2-11-1942, trong thời gian bị bọn quân phiệt Trung Hoa Quốc dân đảng bắt giam, Hồ Chí Minh bị giải đến nhà ngục Đồng Chính, một huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, Bác sáng tác bài thơ thứ 44 trong tập thơ chữ Hán “Ngục Trung Nhật Ký” (Nhật ký trong tù).

Bài thơ mang tên “Đồng Chính” được nhà thơ Nam Trân dịch ra quốc ngữ:
“Binh Mã thế nào Đồng Chính vậy,
Bữa lưng bát cháo bụng cồn cào;
Nước và ánh sáng thì dư dật,
Ngày lại hai lần mở cửa lao”.
(Binh Mã là tên gọi nơi bị giam giữ trước khi được giải sang Đồng Chính - TG)
Ngày 2-11-1945, báo “Cứu Quốc” đăng bài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời nhà báo về tuyên bố ngày 26-10-1945 của Tổng thống Mỹ Truman khi đưa ra các luận điểm: Mỹ không nghĩ tới sự mở mang bờ cõi; tin vào sự trở lại chủ quyền của các dân tộc; không tán thành sự thay đổi lãnh thổ mà không được các dân tộc ưng thuận; các dân tộc được tự chọn lấy chính thể; không một chính phủ nào được thành lập bằng sức áp bức của vũ lực. Vì thế, “nhân dân Việt Nam đối với lời tuyên bố của Tổng thống Truman rất hoan nghênh và chắc rằng nước Mỹ sẽ làm cho những lời tuyên bố ấy thực hiện ngay, nó đặt nền móng cho hòa bình và hạnh phúc của nhân loại và trước hết là cho các dân tộc nhỏ yếu”.

Ngày 2-11-1963, Bác viết bài “Nhiệt liệt chúc mừng và ra sức ủng hộ Angiêri anh em” đăng trên báo “Nhân Dân” nhân kỷ niệm 7 năm thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân. Bài báo khẳng định: “Nhân dân Việt Nam và nhân dân Angiêri đã là anh em trong cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân, ngày nay là anh em trong cuộc đấu tranh xây dựng đất nước”.
Ngày 2-11-1964, Bác viết bài “Cần phải chăn nuôi tốt trâu bò” đăng trên báo “Nhân Dân”, với bút danh “T.L.”. Bác nêu tầm quan trọng của loại đại gia súc gắn liền với cơ nghiệp của người nông dân cần được chăm sóc, đặc biệt là chống rét. Bài báo cũng biểu dương những gương tốt để bà con học tập.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010 )
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“…Chớ nên cái gì tốt thì dành cho mình, xấu để cho người khác”, đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài nói tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác quản lý Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) toàn miền Bắc, đăng trên Báo Nhân Dân, số 2056, ngày 2-11-1959.
(Hồ Chí Minh Toàn tập - Tập 12, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011, tr330)
Đây là thời điểm các ngành, các cấp ở miền Bắc ra sức thi đua thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, Chính phủ về xây dựng HTXNN, xóa bỏ tư hữu cá nhân về ruộng đất để phục vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Lời dạy của Bác có ý nghĩa rất sâu sắc trong bối cảnh toàn miền Bắc đang thực hiện HTXNN, việc xây dựng cũng như quản lý hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn, chưa có kinh nghiệm. Mặt khác, ở một bộ phận cán bộ quản lý vẫn còn tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, cá nhân chủ nghĩa, chỉ muốn nhận cái tốt về mình và đẩy cái xấu, cái chưa tốt cho người khác, làm ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng HTXNN của Đảng và Nhà nước ta. Lời dạy của Bác trong thời điểm này không những chỉ ra hạn chế, biện pháp khắc phục mà còn là lời căn dặn, nhắc nhở đối với toàn thể cán bộ làm công tác quản lý nhà nước nói chung, quản lý HTXNN nói riêng, kịp thời chấn chỉnh những nhận thức, quan điểm lệch lạc của một số tổ chức và cá nhân trong phương thức làm ăn mới, góp phần vào xây dựng tính tập thể, tình đoàn kết toàn dân thành một khối đại đoàn kết dân tộc, tạo cơ sở cho nông nghiệp miền Bắc phát triển và đi lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời, để cho mỗi cá nhân trong tập thể “tự soi, tự sửa”, xây dựng ý thức và hành động của bản thân, mình vì mọi người, tất cả vì miền Nam ruột thịt, góp phần vào thắng lợi của cách mạng miền Nam.
Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; mắc "bệnh thành tích”, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm… Học tập và làm theo lời Bác dạy, đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân phải luôn đề cao tình đồng chí, đồng đội, biết chia sẻ khó khăn, biết trân trọng thành quả, quyết tâm khắc phục những hạn chế, thiếu sót, không mắc "bệnh thành tích”, không háo danh, phô trương, không tranh công đổ lỗi cho người khác, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam phải luôn nêu cao tinh thần tự giác, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; xác định tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 2-11-1961 đăng bài về Đại hội Lần thứ 22 Đảng Cộng sản Liên Xô đã thành công và bế mạc”, bài báo có viết trong câu chuyện với các sinh viên ta tại Moscow, Hồ Chủ tịch có nói: “Đại hội 22 là một đại hội có ý nghĩa vĩ đại”.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 2-11-1966 có đăng Diễn văn của Hồ Chủ tịch trong buổi chiêu đãi Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cuba nhân dịp đoàn đại biểu Cuba sang thăm hữu nghị nước ta.

Trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 2-11-1969 có đăng Những lời dạy của Bác Hồ về chăm lo đời sống bộ đội.

QUỲNH TRANG (Tổng hợp)