Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 2-1-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 2-1
Sự kiện trong nước
2-1-1963: Trận Ấp Bắc là trận chống càn của LLVT Quân khu 8 cùng dân quân du kích và nhân dân địa phương đánh bại cuộc hành quân càn quét của quân đội Sài Gòn có cố vấn Mỹ chỉ huy tại Ấp Bắc, xã Tân Phú Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Một đơn vị quân giải phóng với số quân ít hơn địch 10 lần, dựa vào xã chiến đấu, đã đập tan cuộc càn quét quy mô lớn của địch gồm 2000 tên, có nhiều máy bay, trọng pháo, tàu chiến và xe lội nước yểm trợ tại Ấp Bắc.
Ấp Bắc là một ấp nhỏ với 600 dân. Ấp Bắc cùng với xã Tân Phú Trung là vùng giải phóng, đã được xây dựng thành ấp chiến đấu có hệ thống hầm hào, công sự, trận địa khá vững chắc. Được tin địch đang tập trung lực lượng để càn quét vào vùng giải phóng thuộc 2 huyện Cai Lậy và Châu Thành, Quân khu 8 đã điều Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 (chủ lực Quân khu 8), Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 (tỉnh Mỹ Tho), 1 trung đội huyện Châu Thành, 1 khẩu đội súng cối, do Nguyễn Văn Điều (Hai Hoàng) Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 261 chỉ huy, về Ấp Bắc cùng nhân dân và dân quân du kích địa phương chuẩn bị đánh địch càn quét.
Trận Ấp Bắc diễn ra ngày 2-1-1963. Ảnh tư liệu.Rạng sáng 2-1-1963, địch chia làm nhiều mũi, bằng đường bộ, đường thủy đồng loạt tiến công vào Ấp Bắc. Hai mũi tiến công này đều không thành công khiến địch phải rút lui. Sau đó, địch quyết định sử dụng chiến thuật trực thăng vận. Ở mũi tiến công này, địch đã bị bộ đội và du kích của ta nổ súng bất ngờ và phải rút lui.
Sau 3 đợt tiến công liên tiếp bị thất bại, địch cho máy bay, pháo binh bắn phá dồn dập, mở cuộc tiến công lần 4 vào Ấp Bắc.
Qua một ngày chiến đấu thắng lợi, 22 giờ ngày 2-1-1963, ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân càn quét lớn của địch. Thắng lợi Ấp Bắc thể hiện tinh thần dũng cảm, quyết tâm cao, trình độ, khả năng tác chiến ngày càng hoàn thiện của các LLVT giải phóng; là kết quả của sự vận dụng đúng đấu tranh chính trị và binh vận; lần đầu tiên đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mỹ và quân đội Sài Gòn, báo hiệu sự phá sản không tránh khỏi của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ; mở ra phong trào “thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công” trên toàn miền Nam Việt Nam.
2-1-1991:Chủ tịch Hội đồng Nhà nước công bố luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự và Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã được Quốc hội thông qua ngày 21-12-1990.
Sự kiện quốc tế
2-1-1833: Heinrich Lenz khám phá ra quy tắc xác định chiều của suất điện động cảm ứng.
2-1-1959: Luna 1, tàu không gian đầu tiên của USSR, tiếp cận Mặt Trăng và đi vào quỹ đạo Mặt Trời.
Theo dấu chân Người
Ngày 2-1-1946, báo “Cứu quốc”, cơ quan của Tổng bộ Việt Minh đăng “Lời cảm ơn” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội của một số quan lại cũ được thành lập sau Cách mạng tháng Tám 1945 nhằm động viên tầng lớp này ủng hộ chính sách của Chính phủ cách mạng. Bằng những lời lẽ chân tình, Bác viết: “Tôi trân trọng cảm ơn quý Hội đã quyên nhà, quyên tiền giúp cho quỹ Cứu tế, quỹ Kháng chiến và quỹ Độc lập.
Có người nói: “Hồ Chí Minh không biết làm gì, chỉ nay cảm ơn người này, mai cảm ơn người khác”. Vâng! Tôi vui lòng nhận lời phê bình ấy! Hơn nữa, tôi mong rằng ngày nào tôi cũng phải viết nhiều thư cảm ơn, vì như thế chứng minh rằng đồng bào ta đã sốt sắng thực hành cái khẩu hiệu: “Ai có tiền giúp tiền, ai có sức giúp sức”. Quốc dân ta đã hiệp lực đồng tâm, đã đoàn kết chặt chẽ, thề kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công...”
Kết thúc bức thư, người đứng đầu Nhà nước chân thành bày tỏ “Tiếc vì bận quá, tôi không cảm ơn khắp được. Vậy tôi xin các đồng bào tha lỗi cho”.
Ngày 2-1-1947, nhân dịp Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Marius Moutet, người đã ký kết Tạm ước 14-9-1946 sang Đông Dương, qua một cuộc phỏng vấn báo chí, Bác Hồ đã đưa ra những thông điệp: "Việt Nam không chiến tranh chống nước Pháp và dân Pháp và ta muốn hai dân tộc Việt - Pháp cộng tác thật thà. Nhưng tự do độc lập là quyền trời cho của mỗi dân tộc... Hễ một dân tộc đã đứng lên kiên quyết tranh đấu cho Tổ quốc họ thì không ai, không lực lượng gì chiến thắng được họ. Dân Việt Nam muốn hòa bình, nhưng vì vận mệnh của Tổ quốc, của giống nòi, thì sẽ kháng chiến đến cùng, kháng chiến đến thắng lợi”.
Bức tường Danh nhân tại thủ đô Paris, Pháp, nơi lưu giữ chân dung những vĩ nhân đã làm nên thế kỷ XX, trong đó có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguồn: Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Trước đó một ngày, Bác đã gửi thư đến Chính phủ và nhân dân Pháp: “Tôi kêu gọi nhân dân Pháp để chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và năm 1947 mang lại nền hòa bình và tình hữu nghị giữa nước Pháp và nước Việt Nam”. Đó là những bằng chứng khẳng định trách nhiệm của chủ nghĩa thực dân đã đi ngược lại khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam mà Hồ Chí Minh là hiện thân.
Tuy nhiên, thực dân Pháp vẫn điên cuồng tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược. Trước tình hình ấy, ngày 2-1-1950, Bác Hồ rời Tân Trào đi Trùng Khánh bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc và Liên Xô nhằm tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Đoàn kết chặt thì lực lượng to. Lực lượng to thì quyết thắng lợi”.
Đây là lời căn dặn của Bác Hồ trong Thư chúc tết Việt kiều ở Lào, Xiêm đăng trên Báo Cứu quốc số 131, ngày 2-1-1946.
Trong thư Bác viết: “… Ngày nay, tuy nhờ sự đoàn kết của toàn dân mà nước nhà đã tranh lại quyền độc lập, nhưng chúng ta hãy còn nhiều sự khó khăn, hãy còn phải hy sinh, phấn đấu, mới đi đến sự nghiệp độc lập hoàn toàn. Muốn đạt mục đích đó, chúng ta phải kiên quyết nữa, phải đoàn kết nữa. Đồng bào Việt Nam ở Lào, Lào và Việt là hai nước anh em. Mối quan hệ giữa hai dân tộc rất là mật thiết. Đối với kiều bào ta làm ăn sinh sống ở đất nước Lào thì Lào lại như là một Tổ quốc thứ hai. Tục ngữ có câu: "Bán bà con xa, mua láng giềng gần" ý nghĩa là như thế. Vậy nên sự đoàn kết chẳng những bao gồm đồng bào Việt, mà bao gồm cả đồng bào Việt với đồng bào Lào. Đoàn kết chặt thì lực lượng to. Lực lượng to thì quyết thắng lợi. Đồng bào Việt Nam ở Xiêm, trong những năm qua, ở bên nước láng giềng, đồng bào đã có những hoạt động cho công cuộc giải phóng nước nhà, tuy bị sống trong những hoàn cảnh khó khăn. Nay nước nhà đã giành được chính quyền, đồng bào ở Xiêm cũng hăng hái ủng hộ nền độc lập và cuộc kháng chiến ở Nam Bộ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đón kiều bào ở Thái Lan về nước chuyến đầu tiên tại cảng Hải Phòng, ngày 10-1-1960. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời chiêu đãi Hoàng thân Lào Xuphanuvông tại Bắc Bộ Phủ, tháng 9-1945. Ảnh: Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịchChủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung Quốc. Quần chúng dâng hoa lên Người, tháng 7-1955. Ảnh: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao
Còn trong bức thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp đầu năm mới, sau khi gửi lời chúc Tết tới toàn thể đồng bào, Bác biểu dương tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ và cảm ơn sự đồng cam cộng khổ của các bạn Trung Quốc, của Hoa kiều.
Trong số các công việc quan trọng phải làm trong năm mới, Bác cũng căn dặn đồng bào về sự đoàn kết: “Đoàn kết chặt chẽ, để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc và quyền dân chủ cho đồng bào; Tôi chắc rằng sang năm mới, đồng bào ta sẽ có lòng tin mới, quyết tâm mới, lực lượng mới, đoàn kết mới, để cùng nhau gánh vác công việc mới và tranh cuộc thành công mới”.
Ảnh minh họa.Đoàn kết là nét đẹp, tinh hoa văn hóa và truyền thống rất quý báu của dân tộc ta. Quân đội ta từ nhân dân mà ra, do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo. Nhiệm vụ hàng đầu của quân đội là đánh thắng kẻ thù, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân. Vì vậy, quân đội phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng cũng như sự quản lý tập trung và thống nhất của Nhà nước.
Bên cạnh đó, quân đội luôn giữ vững khối đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân và đoàn kết quốc tế. Quân đội ta đã cử nhiều đoàn cán bộ đi thăm và làm việc, tổ chức tuần tra chung, diễn tập cứu hộ-cứu nạn, phòng, chống tội phạm và bảo vệ an ninh hàng hải với quân đội nhiều nước, tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, làm tăng thêm niềm tin, tạo ra sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế để ta đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.
Lễ ra mắt Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.Đây là những nhân tố vô cùng quan trọng, làm tăng thêm sức mạnh để Quân đội ta đánh thắng kẻ thù, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chính sức mạnh đoàn kết đã giúp hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ ngày càng tỏa sáng trong lòng nhân dân.
(Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, tr.159-162)
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 217, ngày 2-1-1956 đăng lời chúc Tết của Bác với mong ước “Hòa bình thống nhất thành công”:
Toàn dân đoàn kết một lòng,
Miền Bắc thi đua xây dựng,
Miền Nam giữ vững thành đồng,
Quyết chí, bền gan phấn đấu
Hòa bình thống nhất thành công
Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 2-1-1956 cũng đăng ảnh kèm theo lời chúc Tết của Bác Hồ: “Nhân dịp năm mới, Hồ Chủ tịch chúc mọi người vui vẻ, mạnh khỏe, đoàn kết, tiến bộ và lao động.”
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 2-1-1956 và ngày 2-1-1958 đăng ảnh kèm theo lời chúc Tết của Bác Hồ.TƯỜNG VY (tổng hợp)