Sách là nguồn tri thức vô hạn của nhân loại. Đọc sách là để nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt, bồi dưỡng cho tâm hồn, là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Sách mang đến nguồn tri thức để người đọc có thể trải nghiệm, học tập, nghiên cứu, để làm giàu thêm vốn sống của bản thân mỗi người, hướng con người tới những giá trị chân, thiện, mỹ. Đọc sách còn thể hiện nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội.
Gần đây, chúng ta đã có những phong trào về văn hóa đọc, nhiều hoạt động khuyến đọc được tổ chức thông qua các hội chợ sách, giao lưu với tác giả, nhà xuất bản... Tại các trường học, tại nhiều phường, xóm, các tủ sách, thư viện nhỏ cũng được xây dựng, song dường như văn hóa đọc chưa trở thành sinh hoạt tự nhiên trong đời sống thường ngày, chưa trở thành một thói quen được “yêu thích” do đó chưa có sự lan tỏa trong cộng đồng.
Ở các nước phương Tây, chúng ta dễ dàng nhìn thấy cảnh người dân đọc sách trong công viên, trên máy bay, trên xe buýt, nhà ga hay ở các không gian công cộng, khu vực vui chơi giải trí khác thì ở Việt Nam điều này rất hiếm hoi để bắt gặp. Ở nhiều gia đình, suy nghĩ về việc hình thành một kệ sách trong nhà đôi khi không được chú trọng bằng việc thiết kế một tủ rượu hay một chiếc kệ để trưng đồ. Ngay cả như trong môi trường giáo dục, các trường học cũng chưa thật sự đẩy mạnh văn hóa đọc. Ngoài sách giáo khoa là yêu cầu bắt buộc trong các nhà trường thì dường như cả giáo viên và học sinh cũng rất ít khi tìm hiểu, đọc thêm những cuốn sách khác. Trong nhiều thư viện của các trường học, có những cuốn sách “nằm yên” từ năm này qua năm khác với lớp bụi phủ theo thời gian. Nhiều thư viện đã không làm đúng chức năng của nó mà dường như chỉ đơn thuần cái kho đựng sách.
Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, nếu lấy số liệu năm 2019, thời điểm chưa bùng phát đại dịch COVID-19 để làm căn cứ phân tích chúng ta thấy rằng, dân số nước ta khi ấy là 97 triệu người, số lượng sách đã phát hành là 440 triệu bản. Nếu trừ đi số bản sách giáo khoa, giáo trình ước tính 300 triệu bản, số bản sách được phát hành ra thị trường là 140 triệu. Bình quân chỉ có 1,4 bản sách/người/năm. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, đây mới chỉ là số lượng phát hành, còn sau khi mua, trên thực tế, người ta có thực đọc hay không, lại là chuyện rất khác.
Trong khi đó, ở các nước phát triển như: Israel, Pháp, Nhật Bản, trung bình 1 người dân đọc từ 20 cuốn sách /năm. Các nước trong khu vực như: Singapore, số sách người dân đọc trung bình là 14 cuốn/năm; Malaysia là 10 cuốn/năm… Ở Indonesia, trẻ em có 15 phút đọc sách mỗi ngày trước khi vào giờ học chính thức. Ở Hàn Quốc, cha mẹ thường đọc sách cùng con 3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 30 phút. Tại Thái Lan, kết quả khảo sát 55.920 hộ gia đình (năm 2015) cho thấy trẻ em dưới 6 tuổi trung bình đọc 71 phút/ngày, thanh niên đọc 94 phút/ngày, người trong độ tuổi lao động đọc 61 phút/ngày, còn người già đọc 44 phút/ngày….
Từ các con số trên, có thể thấy hiện nay sức đọc của người Việt rất thấp, hay nói khác đi là chúng ta chưa có thói quen đọc sách.
Câu hỏi đặt ra, vậy làm sao để thay đổi thực trạng này? Làm sao để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng?
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng tới vấn đề này và cũng đã xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, tăng cường tuyên truyền để lan tỏa tình yêu với sách, khơi dậy đam mê đọc sách. Đặc biệt, ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thay thế cho Ngày Sách Việt Nam trước đây. Theo đó, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức vào ngày 21/4 hàng năm trên phạm vi toàn quốc góp phần khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị của sách đồng thời qua đó, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa bằng các chính sách cụ thể, thiết thực hơn nữa. Các địa phương cũng cần phải chú trọng đầu tư, nâng cao nhận thức của các cấp các ngành về lĩnh vực này, trong đó, bản thân mỗi cán bộ, công chức cũng cần dành thời gian nhiều hơn nữa để đọc sách, tìm hiểu về pháp luật cũng các văn bản liên quan tới công tác chuyên môn để nâng cao chất lượng giải quyết công việc hàng ngày. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều địa phương đã có hệ thống thư viện công thì cần phải đổi mới về phương thức hoạt động, biến thư viện thành trung tâm sinh hoạt văn hóa hấp dẫn, đa dạng để cuốn hút người dân tham gia. Để mọi người đều có thể đọc sách, các đầu sách cần phải đa dạng, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng, mọi lứa tuổi.
Cùng với đó, tại các địa điểm công cộng: bệnh viện, phòng khám, thậm chí các quán nước, quán cà phê, quán ăn… có thể đặt thêm giá sách để trong thời gian khách hàng chờ đợi có thể sử dụng sách như một cách để giải trí, “giết thời gian” khi phải chờ.
Đối với các nhà trường -nơi được xem là môi trường thể hiện rõ nhất chức năng và sức mạnh của văn hóa đọc, cùng với đẩy mạnh cải cách giáo dục hướng đến nền giáo dục hiện đại, tôn trọng tự do học thuật và nhu cầu truy tìm chân lý, các trường học cần coi việc xây dựng văn hóa đọc là công việc quan trọng đầu tiên để hình thành sinh hoạt trường học. Đồng thời, dựa vào danh mục sách hỗ trợ dạy và học các cấp trong nhà trường để tư vấn cho phụ huynh xây dựng tủ sách phù hợp lứa tuổi và nhu cầu đọc, học của trẻ tại gia đình.
Khi bàn về vấn đề này, các ý kiến đều cho rằng, cùng với xã hội và nhà trường, gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng và duy trì thói quen đọc sách cho trẻ. Ông bà, cha mẹ chính là những người gần gũi với con cháu nhất, dẫn dắt, hình thành cho con trẻ những lối sống, thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ.
Kích thích, tạo thói quen cho trẻ có niềm đam mê đọc sách, để hướng trẻ tìm tới sách một cách tự nhiênTheo ông Lê Hoàng, chúng ta cần kích hoạt các giải pháp để khuyến khích cha mẹ đọc sách cùng con và mỗi gia đình phải xây dựng được tủ sách gia đình và góc sách cho trẻ. Có chương trình bồi dưỡng cho cha mẹ kỹ năng đọc sách cùng con và các hình thức khuyến khích, khen thưởng, tôn vinh cha mẹ thường xuyên đọc sách cùng con tại gia đình. Tạo cho trẻ một không gian đọc sách mới mẻ, kích thích và hướng trẻ tìm đến sách một cách tự nhiên.
Điều này cũng đã được minh chứng trên thực tế. Theo khảo sát của Trung tâm sách Quốc gia, Bộ Văn hóa Cộng hòa Pháp thực hiện tháng 7/2021, việc đọc sách phụ thuộc vào truyền thống kế thừa từ thời thơ ấu, 20% người Pháp có cha mẹ không bao giờ đọc sách là những người không đọc sách giống như cha mẹ của họ, trong khi 36% người Pháp mà cha mẹ thường đọc đã trở thành những độc giả ham đọc sách...Đó là lý do của 85% người Pháp mua sách như một món quà, 69% trong số đó dùng để tặng trẻ em.
Đối với các nhà xuất bản và công ty sách cũng cần phải có sự chuyển động mạnh mẽ và toàn diện trong hoạt động xuất bản và kinh doanh của mình; cần quan tâm công tác thị trường và thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, đẩy lùi sách giả, sách lậu, phát hành những tác phẩm có giá trị, mang thông điệp tích cực, giàu tính nhân văn, để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu phát triển của đất nước và con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Với sự bùng nổ của công nghệ như hiện nay, giới trẻ ngày nay dễ dàng bị hấp dẫn bởi các trang mạng xã hội thay vì sách báo. Bởi vậy, thay vì ép đọc, cần phải thay đổi cách thức, nội dung… như tận dụng sức hút của công nghệ nghe, nhìn để lôi kéo độc giả mới, để họ có niềm vui thực sự trong việc đọc.
Quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang hình thành xu hướng đọc sách mới, chẳng hạn mô hình "thư viện số" đang dần thay thế thư viện truyền thống. Chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh, một chiếu Ipad có kết nối Internet, người dùng có thể đọc sách ở bất cứ đâu và dễ dàng tìm kiếm cuốn sách mà mình cần chứ không nhất thiết phải lên thư viện truyền thống. Do vậy, những giải pháp, không gian trải nghiệm về sách gắn với công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo; khám phá các tác phẩm sách nói, sách điện tử trên nhiều lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế, văn học, nghệ thuật, kỹ năng sống… rất cần được phát triển.
Có thể khẳng định, văn hóa đọc đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển nhân cách cá nhân, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển con người, cũng chính là sự phát triển, thịnh vượng của mỗi quốc gia, dân tộc. Trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã đề cao vai trò của nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, được xác định là một trong 3 đột phá chiến lược. Từ thực tiễn và những mục tiêu phát triển đất nước, từ ý nghĩa của việc đọc sách, thiết nghĩ, chúng ta cần tăng cường lan tỏa hơn nữa văn hóa đọc trong cộng đồng. Đọc sách để bồi dưỡng trí tuệ và tâm hồn mỗi con người, để chúng ta có một tâm hồn đẹp, giàu giá trị nhân văn, nhân ái; để chúng ta bắt kịp với sự tiến bộ và phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, cũng cần hình thành cho mình một thói quen hàng ngày để việc đọc sách không chịu bất kỳ sự áp lực nào, để nó trở thành nhu cầu tự thân như việc chúng ta phải ăn, uống và hít khí trời mỗi ngày.
Tối 19/4, tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1), Ban Tuyên Giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng UBND TP Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức Khai mạc chuỗi hoạt động chào mừng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất, năm 2022. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại tất cả các địa phương trên cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh là trung tâm.
Tại TP Hồ Chí Minh, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 24/4 tại các khu vực quận, huyện trên địa bàn Thành phố với nhiều hoạt động đặc sắc để hiện thực hóa mục tiêu "chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc" trong Nhân dân.
Ngày Sách được kỳ vọng sẽ tạo ra một đợt hoạt động trên quy mô lớn, ý nghĩa, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa và tinh thần hiếu học, hiếu đọc của người dân trên cả nước./.