Đó là ý kiến của ông Nguyễn Đức Lưu - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh.
Nhiều học sinh giỏi vẫn chọn học nghề
Tại Hội nghị đánh giá công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ công tác truyền thông năm 2023, lãnh đạo các trường cao đẳng đã trao đổi nhiều vấn đề về việc truyền thông nhằm thay đổi nhận thức xã hội về học nghề, chọn nghề.
Ông Nguyễn Đức Lưu - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh cho rằng, hiện nay, dư luận vẫn còn tư tưởng người học giỏi mới học đại học, còn học dốt thì chọn trường nghề. Tuy nhiên, có nhiều học sinh học giỏi nhưng vẫn đi học nghề vì thiên hướng của họ là phát triển kỹ năng nghề.
"Ai có khả năng học đại học thì chọn đại học, em nào muốn rèn luyện, phát triển tay nghề thì hãy chọn cao đẳng.
Không nhất thiết cứ phải truyền thông là học nghề mới tốt mà cần tư vấn, định hướng một cách khoa học để phân luồng xu thế năng lực, tố chất, năng khiếu của học sinh cấp 2, cấp 3, tránh tình trạng các em chọn nhầm môi trường học, nhầm nghề hoặc học xong không được thị trường lao động đón nhận.
Chúng ta hoàn toàn có thể bắt tay với Bộ GD&ĐT để cùng truyền thông về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giáo dục đại học, sao cho đông đảo tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ và các bậc phụ huynh có nhận thức đúng đắn, phù hợp trên cơ sở tiếp nhận thông tin từ truyền thông", ông Lưu nói.
Ông Nguyễn Đức Lưu cho biết thêm, tại Bắc Ninh, sự quan tâm của địa phương với công tác truyền thông rất tốt. Nhà trường thường xuyên đón các nhóm phóng viên về để khai thác tin, đưa thông tin không chỉ về hoạt động của nhà trường, mà còn là thông tin để nhân dân địa phương thấy được giá trị của GDNN, đặc biệt là cơ hội việc làm sau khi ra trường, chất lượng đào tạo tay nghề tiếp cận công nghệ hiện đại của doanh nghiệp.
Mỗi trường có cách tuyển sinh khác nhau nhưng nên tận dụng tốt các kênh báo chí hay mạng xã hội như Youtube, Tiktok, Facebook, xây dựng hoạt động truyền thông hiệu quả, kết nối với kênh truyền thông của các trường THPT, THCS để phổ biến thông tin đến đông đảo học sinh.
Học nghề không phải là "chân lấm, tay bùn"
Theo ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, về việc định vị thương hiệu của nhà trường, 99% là nhờ vào các cơ quan thông tấn, báo chí, nhà trường chỉ góp 1% trong việc khẳng định và làm tốt vai trò của mình.
Truyền thông phải trung thực, nếu các trường cung cấp thông tin không trung thực thì trước hết phạm vào đạo đức nhà giáo, chỉ lừa xã hội được một vài lần.
Nhà trường thường mời báo chí đến và đưa tin về hoạt động của mình. Những sự kiện này được chuẩn bị rất kỹ càng để hình ảnh của GDNN nói chung và nhà trường nói riêng được trau chuốt.
"Nếu chúng ta còn truyền thông bằng việc đăng tải những hình ảnh cũ kỹ, học sinh mặc quần áo nhếch nhác, bẩn thỉu, môi trường học tập tối tăm thì khi nhìn vào, không ai muốn học ở những nơi như thế", ông Ngọc nói.
Ông Đồng Văn Ngọc cho rằng, truyền thông phải tạo ra sự khác biệt. Các trường đào tạo những nghề giống nhau phải cạnh tranh nhau bằng giá trị riêng, xây dựng và định vị hình ảnh riêng của mình.
Tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, mỗi cán bộ chủ chốt của trường phải mô tả cho hội đồng tuyển sinh và cho hiệu trưởng sự khác biệt của mình ở đâu. Từ đó, nhà trường truyền thông qua bằng những nét đặc biệt đó.
Tuy nhiên, nếu chỉ truyền thông mà nhà trường không đảm bảo chất lượng thực tế thì sẽ thất bại. Khi phụ huynh, học sinh đến trường tìm hiểu, họ không tham khảo từ lãnh đạo nhà trường mà vào tận ký túc xá để hỏi những sinh viên đang theo học. Vì vậy, không thể truyền thông dối trá.
"Việc học nghề hiện nay đã khác so với ngày xưa. Tuy nhiên, GDNN vẫn đang bị coi là thấp kém. Tôi thường tư vấn là những em nào tài năng thì hãy học, còn nếu đi học đại học chỉ vì theo nguyện vọng của bố mẹ, với nhận thức là miễn sao có cái bằng đại học thì tôi khuyên là nên dừng lại ước mơ này.
Học nghề không phải là "chân lấm, tay bùn". Chúng tôi có những phòng học không thua kém gì các trường quốc tế, nhiều trường đại học lớn cũng không có. Tất nhiên, ở bậc đại học dạy nghiên cứu, chúng tôi dạy thực hành là chính nên phải đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ 4.0 như doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghệ cao", ông Ngọc nói.
Theo ông Ngọc, hiện nay, chỉ tồn tại hệ cao đẳng, không có hệ cao đẳng nghề. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn có tên là cao đẳng nghề. Đây là vấn đề mà truyền thông cần lưu ý vì nó tác động đến tâm lý phụ huynh, học sinh. Có không dưới 70% phụ huynh cho rằng học trường cao đẳng nghề xong là làm công nhân.
Góp ý tại Hội nghị, ông Phạm Ngọc Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, trong công tác truyền thông GDNN, việc đầu tiên là phải chuyển đổi được tư duy của học sinh và phụ huynh.
Mỗi năm, Vụ tích cực tổ chức 4-5 chương trình, cuộc thi được đầu tư công phu. Ví dụ việc tuyên dương học sinh, sinh viên GDNN xuất sắc, tiêu biểu hằng năm có tiêu chí rất cao, nhiều tỉnh không có em nào đạt tiêu chí; Hay các cuộc thi, dự án khởi nghiệp được tổ chức hằng năm được đánh giá cao.
Đằng sau những tấm gương học sinh, sinh viên, sản phẩm khởi nghiệp đó là rất nhiều câu chuyện hay, là chất liệu rất tốt để truyền thông cho GDNN.
Hiện nay, nhiều trường đến tận các địa bàn, các trường THPT để tư vấn hướng nghiệp, đó là cách truyền thông hiệu quả. Nhưng còn hiệu quả hơn nếu thầy cô trong trường hướng nghiệp cho học sinh của mình.
"Năm sau, chúng tôi dự định phối hợp với Trung ương Đoàn để đào tạo cho các cán bộ đoàn trong nhà trường phổ thông để họ là cánh tay nối dài giúp chúng ta truyền thông, hướng nghiệp. Đồng thời, chúng tôi tập huấn cho cán bộ quản lý, nhà giáo trở thành các chuyên gia hướng nghiệp.
Chúng tôi có những chuyên gia nổi tiếng, họ đứng nói chuyện với học sinh trong các buổi hướng nghiệp, sau đó được các em xúm vào xin chụp ảnh cùng. Nếu hệ thống GDNN đào tạo ra nhiều chuyên gia như thế thì công tác truyền thông, hướng nghiệp sẽ thành công rực rỡ", ông Thắng nói.
Ông Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Yên Bái cho biết, nhà trường là một trong những đơn vị hàng đầu được tỉnh nhà quan tâm, tạo điều kiện đưa các thông tin lên website của tỉnh.
Tuy nhiên, việc truyền thông bằng pano, biển hiệu còn gặp nhiều khó khăn. Để treo được một chiếc pano, trường phải xin giấy phép từ rất nhiều cơ quan chức năng. Việc sử dụng pano không chỉ để truyền thông cho nhà trường mà còn cho cả hệ thống GDNN. Vì vậy, ông Tuấn mong muốn Tổng cục có ý kiến với địa phương để nhà trường được phép treo pano mà chỉ phải xin phép từ một đơn vị, tránh nhiều thủ tục gây mất thời gian.
Ông Tuấn cũng đề nghị Tổng cục nghiên cứu chính sách hỗ trợ cơ chế trong việc truyền thông từng giai đoạn, có chương trình truyền thông cho từng vùng, khu vực khác nhau về điều kiện kinh tế, xã hội và nhận thức của người dân.