Một trong những khó khăn mà những người mới tự học Business Analyst hay gặp phải đó là không biết bắt đầu từ đâu. Nên học theo lộ trình nào mới đủ và đúng? Nếu bạn cũng đang có những câu hỏi này thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của VTI Academy nhé!
1. Hiểu về Business Analyst
Trước khi bước vào quá trình tự học Business Analyst, các bạn cần hiểu rõ các nội dung liên quan đến nghề như: định nghĩa, vai trò và kỹ năng cần có.
Định nghĩa về Business Analyst và vai trò của họ trong môi trường doanh nghiệp
Business Analyst (BA) còn gọi là chuyên gia phân tích nghiệp vụ. Vai trò chính của BA là nắm bắt nhu cầu kinh doanh, phân tích các quy trình và thông tin và đề xuất các giải pháp công nghệ và kinh doanh để cải thiện hiệu suất và hiệu quả của tổ chức.
Dưới đây là một số đầu việc mà Business Analyst thường đảm nhận:
- Phân tích nhu cầu kinh doanh: BA tương tác với các bộ phận khác nhau trong tổ chức để hiểu và xác định các yêu cầu kinh doanh. Điều này bao gồm việc phân tích quy trình hiện tại, nhận dạng lỗ hổng và cơ hội cải tiến và xác định các nhu cầu cụ thể của các bộ phận.
- Lập kế hoạch dự án: BA giúp lập kế hoạch và quản lý các dự án kinh doanh. Họ tham gia vào việc xác định phạm vi, lập lịch và xác định các nguồn lực cần thiết cho dự án.
- Phát triển và thiết kế giải pháp: Dựa trên việc phân tích nhu cầu kinh doanh, BA tham gia vào quá trình thiết kế giải pháp. Họ có thể đề xuất cách triển khai hệ thống mới, tối ưu hóa quy trình làm việc và cung cấp các phản hồi để cải thiện hiệu suất tổ chức.
- Tương tác với các bên liên quan: BA thường là người trung gian giữa các bộ phận và nhóm trong doanh nghiệp. Họ phải tương tác với các nhóm kinh doanh, quản lý sản phẩm, nhóm phát triển phần mềm và người dùng cuối để đảm bảo rằng các yêu cầu và giải pháp được hiểu và thực thi đúng cách.
Các kỹ năng cần thiết của một Business Analyst hiệu quả
Một BA hiệu quả cần phải có một loạt các kỹ năng đa dạng để thực hiện công việc của mình một cách thành công. Dưới đây là các kỹ năng mà các bạn tự học BA nên biết:
- Phân tích yêu cầu kinh doanh:
- Hiểu biết sâu sắc về mục tiêu và nhu cầu kinh doanh của dự án
- Có khả năng phân tích, phân loại và ưu tiên yêu cầu của khách hàng và người dùng cuối.
- Sử dụng các phương pháp như phỏng vấn, phân tích tài liệu và các workshop để thu thập yêu cầu.
- Kỹ năng giao tiếp:
- Giao tiếp mạch lạc với cả đồng nghiệp trong công ty và cả khách hàng
- Trình bày thông tin một cách rõ ràng và dễ hiểu.
- Lắng nghe tốt để hiểu và đáp ứng đúng yêu cầu của các bên liên quan.
- Hiểu biết về công nghệ và hệ thống:
- Hiểu biết về các công nghệ hoặc ngôn ngữ lập trình và cách chúng được áp dụng trong môi trường doanh nghiệp.
- Đủ kiến thức để hiểu cấu trúc và hoạt động của các hệ thống thông tin.
- Tư duy phân tích và lập luận:
- Suy luận logic và phân tích sâu sắc để giải quyết các vấn đề phức tạp.
- Đưa ra các quyết định thông minh dựa trên dữ liệu và thông tin đã phân tích.
- Kiến thức về lĩnh vực kinh doanh:
- Hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực kinh doanh cụ thể mà BA đang làm việc để có thể phân tích yêu cầu một cách hiệu quả.
2. Lộ trình tự học Business Analyst cho người mới bắt đầu
Học các kiến thức cơ bản
Một trong điều cần thiết trong quá trình tự học Business Analyst đó chính là nắm vững các kiến thức bản. Có một nền móng vững chắc, bạn mới có thể tự tin chinh phục được những điều cao hơn. Một vài kiến thức cơ bản mà bạn cần nắm được đó là:
- Các phương pháp và công cụ phân tích yêu cầu:
- Học về các phương pháp phân tích yêu cầu: Use Case, User Stories, Activity Diagrams, và Class Diagrams.
- Tìm hiểu về các công cụ hỗ trợ phân tích yêu cầu: Microsoft Visio, Lucidchart, hoặc các phần mềm quản lý yêu cầu: JIRA.
- Kiến thức về quản lý dự án và quy trình phát triển phần mềm:
- Hiểu về các phương pháp quản lý dự án: Agile, Scrum, Waterfall.
- Tìm hiểu về quy trình phát triển phần mềm và vòng đời sản phẩm.
Tham khảo các tài liệu có sẵn
Hiện nay có rất nhiều các tài liệu vô cùng hữu ích đối với các bạn tự học Business Analyst. Bạn có thể tìm kiếm những đầu sách hoặc lên các trang web chuyên về BA để tham khảo. Tuy nhiên một lưu ý đó là trước khi tiếp cận nguồn kiến thức nào bạn cũng cần tìm hiểu trước về nó. Ví dụ bạn mới bắt đầu học BA thì những cuốn sách nâng cao sẽ là quá sức với bạn. Hãy lựa chọn cho mình những tài liệu phù hợp nhé!
Thực hành mỗi ngày
Hãy liên tục thực hành mỗi ngày để củng cố kiến thức, tăng khả năng thực chiến. Hãy tìm kiếm dự án thực tế hoặc các bài tập mô phỏng. vừa sức để áp dụng những kiến thức mình đã học. Điều này không những giúp bạn làm que được với môi trường làm việc thực tế, hiểu được tâm lý khách hàng mà đây còn trở thành một điểm mạnh trong CV của bạn. Nó phản ánh kỹ năng và kinh nghiệm của bạn trong lĩnh vực Business Analysis.
Liên tục cập nhật kiến thức
Tham gia vào các diễn đàn, nhóm trao đổi trực tuyến hoặc cộng đồng Business Analyst để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với những người khác. Đây là cách tốt nhất để tiếp tục học hỏi và mở rộng mạng lưới quan hệ trong lĩnh vực này. Ngành CNTT thay đổi liên tục mỗi ngày hãy cập nhật kiến thức của bạn bằng cách đọc sách và tài liệu mới nhất về BA theo kịp xu hướng công nghệ hiện nay.
3. Các nguồn tài nguyên giúp bạn tự học Business Analyst hiệu quả
Sách về Business Analyst
"Business Analysis Techniques: 99 Essential Tools for Success" của James Cadle, Malcolm Eva, và Keith Hindle: Đây là một trong những cuốn sách hay và được đánh giá cao trong lĩnh vực Business Analyst. Cuốn sách này cung cấp đến độc giả một bộ công cụ đa dạng và chi tiết, bao gồm các kỹ thuật phân tích cơ bản và nâng cao. Từ các phương pháp thu thập yêu cầu đến phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro, mỗi công cụ được trình bày một cách rõ ràng và minh họa bằng ví dụ thực tế. Cuốn sách này không chỉ là một nguồn tài liệu hữu ích cho các chuyên gia Business Analyst mà còn là một nguồn lợi cho những ai mới bắt đầu tiếp xúc với lĩnh vực này.
"The Business Analyst's Handbook" của Howard Podeswa: Đây là một tài liệu tham khảo toàn diện về nghề nghiệp Business Analyst. Tác giả đã trình bày một cách chi tiết về các phương pháp và kỹ thuật cần thiết cho một Business Analyst để thực hiện các dự án thành công. Cuốn sách này không chỉ giúp bạn hiểu rõ về quy trình mà còn đưa ra các hướng dẫn cụ thể và ví dụ thực tế để áp dụng vào công việc hàng ngày. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng chia sẻ các kinh nghiệm thực tế từ tác giả, giúp độc giả có cái nhìn sâu sắc và thực tế về công việc của một Business Analyst.
Tài liệu tự học Business Analyst
IIBA.org (International Institute of Business Analysis): Trang web chính thức của IIBA - hiệp hội nghề nghiệp phi lợi nhuận quốc tế được thành lập nhằm hỗ trợ cộng đồng những người trong ngành phân tích nghiệp vụ. Tại đây cung cấp các tài liệu, bài viết và hướng dẫn về BA. Bạn có thể tìm hiểu về các tiêu chuẩn, công cụ, và tài nguyên khác nhau được đề xuất bởi tổ chức này.
Business Analyst Learnings Community trên LinkedIn: Đây là một cộng đồng có số lượng thành viên đông đảo, bao gồm cả những chuyên gia và những người đang làm việc liên quan đến BA. Bạn có thể thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và nhận được các tài liệu học tập từ các thành viên khác.
Khóa học Business Analyst miễn phí
Coursera: Coursera cung cấp một loạt các khóa học trực tuyến về Business Analyst từ các trường đại học hàng đầu trên thế giới. Bạn có thể tìm khóa học phù hợp với mình và tham gia vào các bài giảng, bài tập, và các hoạt động học tập khác.
Udemy: Đây là một nền tảng trực tuyến cung cấp hàng ngàn khóa học liên quan đến CNTT trong đó có BA đến từ các chuyên gia trong ngành. Bạn có thể tìm kiếm và đăng ký các khóa học theo nhu cầu cụ thể của mình.
Trên đây là một thông tin vô cùng hữu ích mà VTI Academy muốn gửi tới các bạn tự học Business Analyst. Hãy luôn giữ quyết tâm và cố gắng trong quá trình học. Chúc các bạn tự học Business Analyst thành công và đạt nhiều kết quả cao.
Xem thêm: Khóa học Business Analyst cho người mới bắt đầu