Đau đầu buồn ngủ có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang mệt mỏi hoặc cảnh báo bệnh lý nghiêm trọng. Vậy đau đầu buồn ngủ là dấu hiệu của bệnh gì?
Đau đầu buồn ngủ là bệnh gì?
Đau đầu buồn ngủ là tình trạng người bệnh gặp những cơn đau đầu âm ỉ kèm cảm giác buồn ngủ, mỏi mệt, có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề bệnh lý, sinh lý. Người bị buồn ngủ đau đầu kéo dài, với mức độ nghiêm trọng không nên chủ quan, cần được thăm khám kịp thời.
Triệu chứng đau đầu buồn ngủ
Triệu chứng đau đầu buồn ngủ đặc trưng với biểu hiện đau đầu âm ỉ, kéo dài, đi kèm với cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ, cần được nghỉ ngơi. Buồn ngủ nhức đầu có thể diễn ra trong thời gian dài. Thời gian và mức độ diễn ra mỗi cơn đau còn tùy vào thể trạng của người bệnh. Nếu triệu chứng đau đầu buồn ngủ diễn ra thường xuyên, xuất hiện với cường độ nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân buồn ngủ đau đầu
Tình trạng đau đầu buồn ngủ có thể xuất hiện do một số nguyên nhân bệnh lý hoặc sinh lý như sau:
1. Lão hóa
Mỏi mắt, đau đầu buồn ngủ thường xuất hiện ở những người bệnh trong độ tuổi trung niên, cao tuổi. Khi cơ thể bị lão hóa đồng nghĩa với việc những cơ quan trong cơ thể như hệ thần kinh, tiêu hóa, tuần hoàn, hô hấp… hoạt động không còn hiệu quả như trước. Điều này làm cho việc lưu thông máu, cung cấp dưỡng chất và oxy cho cơ thể diễn ra chậm hơn. Từ đó dẫn đến triệu chứng đau đầu, tác động đến sức khỏe của người bệnh, khiến người bệnh thường xuyên đau đầu buồn ngủ, mệt mỏi.
2. Chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi không hợp lý
Cơ thể biểu hiện triệu chứng nhức đầu buồn ngủ cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã làm việc, hoạt động quá sức và chưa sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Thông thường, vấn đề này hay gặp ở những người trẻ khi luôn phải làm việc vượt quá giới hạn của bản thân, chịu nhiều áp lực nhưng lại thiếu thời gian nghỉ ngơi. Từ đó, khiến cho tình trạng đau đầu buồn ngủ diễn ra liên tục, thường xuyên, tái phát nhiều lần.
3. Sử dụng chất kích thích
Sử dụng những chất kích thích như thuốc lá, cà phê có thể là tác nhân gây ra tình trạng nhức đầu, tác động đến giấc ngủ, gây mất ngủ, từ đó dẫn đến cảm giác buồn ngủ nhức đầu, kém tỉnh táo vào ngày hôm sau.
4. Thiếu máu
Triệu chứng buồn ngủ đau đầu cũng có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu. Khi cơ thể bị thiếu máu, việc vận chuyển dưỡng chất và oxy đến những cơ quan trong cơ thể cũng bị suy giảm. Vấn đề này khiến người bệnh rơi vào trạng thái đau đầu buồn ngủ, mệt mỏi, xanh xao…
5. Thiểu năng tuần hoàn não
Bệnh thiểu năng tuần hoàn não xảy ra khi những mạch máu sau gáy bị chèn ép. Lúc này, não không được cung cấp đủ máu, dẫn đến tình trạng mất ngủ, chất lượng giấc ngủ kém, người bệnh thường buồn ngủ vào ban ngày. Bên cạnh đó, người bệnh còn gặp những triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, hoa mắt, ù tai, đi kèm với chứng suy giảm trí nhớ, bị mất tập trung. Thiểu năng tuần hoàn não khá nguy hiểm, người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám, chữa trị kịp thời để giúp ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm xảy ra, tác động đến sức khỏe.
6. Chứng ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ là tình trạng giảm/ngưng thở trong lúc ngủ. Ngưng thở khi ngủ có ba loại là ngưng thở tắc nghẽn, ngưng thở trung ương, kết hợp ngưng thở tắc nghẽn và trung ương. Chứng ngưng thở trung ương xảy ra do não không thể kích hoạt những cơ thở trong khi ngủ. Ngưng thở tắc nghẽn xảy ra do sự tắc nghẽn đường thở trong khi ngủ; được chẩn đoán, đánh giá thông qua bệnh sử, quá trình khám thực thể, đo đa ký giấc ngủ… Ngưng thở tắc nghẽn có thể được chữa trị bằng phương pháp phẫu thuật và không phẫu thuật. (1)
Người mắc hội chứng ngưng thở thường rơi vào trạng thái đau đầu buồn ngủ, mệt mỏi, uể oải khi thức dậy vào sáng hôm sau. Người bị ngưng thở khi ngủ thường có triệu chứng điển hình như ngáy, giật mình thức dậy trong đêm.
7. Tụ máu não
Tụ máu não là tình trạng xuất hiện tổn thương tại não khi các mạch máu não vỡ ra, dẫn đến xuất huyết, tạo thành khối máu tụ tại não. Những triệu chứng tụ máu não có thể xuất hiện trong vài tuần đầu hoặc kéo dài lâu hơn tính từ thời điểm người bệnh bị va đập ở vùng đầu. Khối máu tụ sẽ hình thành, gia tăng kích thước, có thể gây ra tình trạng gia tăng áp lực nội sọ. Lúc này, người bệnh gặp phải những triệu chứng tụ máu não thường gặp như cường độ đau đầu tăng dần đến khi có xuất hiện biểu hiện nặng như buồn nôn/nôn mửa, chóng mặt, thường cảm thấy buồn ngủ, hay quên, lú lẫn, một bên tay/chân bị yếu…
8. Chấn thương sọ não
Người bị chấn thương sọ não nhẹ có thể gặp các triệu chứng như đau đầu buồn ngủ, buồn nôn/nôn mửa, mệt mỏi, khó khăn về giao tiếp, mất thăng bằng/chóng mặt… Chấn thương sọ não nghiêm trọng có thể phát sinh thêm một số dấu hiệu như mất ý thức trong khoảng vài phút đến hàng giờ, đau đầu dữ dội, dai dẳng hơn, co giật/động kinh, một/cả hai mắt giãn to, chảy máu tai/mũi…
9. Trầm cảm
Trầm cảm là bệnh lý không còn quá xa lạ, diễn ra ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Triệu chứng điển hình của người bệnh trầm cảm là hay mặc cảm, tự ti, thường xuyên có suy nghĩ tiêu cực, cảm thấy tuyệt vọng về cuộc sống. Bên cạnh đó, người bệnh thường rơi vào trạng thái mệt mỏi, đau đầu, đầu óc mơ hồ, giấc ngủ kém nên cảm thấy buồn ngủ.
10. Đau nửa đầu
Đau nửa đầu là loại bệnh đau đầu khá phổ biến, thường tác động phần lớn đến những người từ 20 - 45 tuổi. Những cơn đau nửa đầu có xu hướng xuất hiện chủ yếu vào thời điểm người bệnh vừa ngủ dậy (khoảng 4 - 9 giờ sáng). Khoảng một nửa các trường hợp bị đau nửa đầu kèm theo những biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ. Người bị đau nửa đầu có thể cảm thấy uể oải, buồn ngủ liên tục trong ngày, ngay cả khi đêm hôm trước đã ngủ nhiều. (2)
11. Đau đầu do căng thẳng
Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến chứng đau đầu do căng thẳng vẫn chưa được xác định rõ ràng. Những yếu tố có thể góp phần gây ra tình trạng đau đầu do căng thẳng là thiếu ngủ, mất nước, căng thẳng gia tăng, bỏ bữa, lo lắng, bệnh lý, thay đổi trường học/nhà ở/nơi làm việc. Quá trình chữa trị chứng đau đầu do căng thẳng bao gồm việc sử dụng thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn, kiểm soát sự căng thẳng, điều trị bất kỳ bệnh lý/tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào. (3)
Tình trạng đau đầu buồn ngủ có thể gặp ở người bị đau đầu do căng thẳng. Mặc dù tỷ lệ phổ biến chung của tình trạng buồn ngủ quá mức vào ban ngày ở những người bị đau đầu do căng thẳng không có sự khác biệt đáng kể so với những người không bị đau đầu. Thế nhưng những người bị đau đầu do căng thẳng mạn tính có tỷ lệ gặp tình trạng buồn ngủ quá mức vào ban ngày cao hơn so với người bị đau đầu do căng thẳng từng đợt và những người không bị đau đầu. Hơn nữa, những người mắc bệnh đau đầu do căng thẳng bị buồn ngủ quá mức vào ban ngày gặp những triệu chứng đau đầu nghiêm trọng hơn so với những người không bị buồn ngủ quá mức vào ban ngày.
Thường xuyên đau đầu buồn ngủ có nguy hiểm không?
Nếu triệu chứng đau đầu buồn ngủ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn thì có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang mệt mỏi. Bạn cần dành thời gian nghỉ ngơi để cơ thể khôi phục về trạng thái tốt. Trong trường hợp tình trạng đau đầu kèm theo cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ kéo dài trên 8 giờ thì đó chính là dấu hiệu bất thường của cơ thể. Lúc này, người bệnh cần sớm đến cơ sở y tế thăm khám, chữa trị để tránh gặp biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, khi triệu chứng đau đầu buồn ngủ diễn ra với cường độ nghiêm trọng, thường xuyên xuất hiện, kèm theo những dấu hiệu nghi ngờ do bệnh lý gây ra.
Người bệnh nên thăm khám chứng đau đầu buồn ngủ tại cơ sở y tế uy tín, đơn cử như Khoa Thần kinh Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Nơi đây quy tụ đội bác sĩ giỏi chuyên môn, được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước. Đồng thời, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh còn trang bị hệ thống máy móc hiện đại, tiên tiến, phục vụ tối ưu cho quá trình thăm khám, chữa trị.
Cách chẩn đoán bệnh đau đầu buồn ngủ
Chứng đau đầu buồn ngủ có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó để chẩn đoán chính xác nguyên nhân bác sĩ có thể chỉ định người bệnh làm các hình thức xét nghiệm, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Dưới đây là một số bước thường được áp dụng trong việc chẩn đoán:
- Tìm hiểu bệnh án: Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh mô tả chi tiết những triệu chứng buồn ngủ nhức đầu, bao gồm thời gian bắt đầu, kéo dài bao lâu, vị trí, đặc điểm, tần suất, mức độ của chứng đau đầu buồn ngủ… Bác sĩ cũng cần biết về những triệu chứng khác kèm theo (nếu có). Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh ghi lại những thông tin của tình trạng nhức đầu buồn ngủ trong một khoảng thời gian, đồng thời cho biết thêm các thông tin về loại thức ăn/hoạt động mà người bệnh đã thực hiện trước khi triệu chứng xuất hiện.
- Khám lâm sàng: Người bệnh có thể cần thực hiện một số hình thức kiểm tra cơ bản như đo huyết áp, nghe tiếng tim, kiểm tra thị lực…
- Khám cận lâm sàng: Bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh thực hiện một số phương pháp, kỹ thuật như chụp CT/MRI não, chụp X-quang xoang, kiểm tra dịch não tủy…
- Chẩn đoán loại trừ nguyên nhân: Nếu những hình thức thăm khám kể trên vẫn chưa giúp tìm ra nguyên nhân, người bệnh có thể được bác sĩ chẩn đoán dựa vào cách loại trừ căn nguyên cho đến khi tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Cách cải thiện tình trạng đau đầu buồn ngủ
Dưới đây là một số cách có thể giúp cải thiện tình trạng đau đầu buồn ngủ:
- Massage đầu: Khi bị đau đầu, bạn hãy ấn ngón tay vào hai bên thái dương và massage nhẹ nhàng. Cách này giúp mạch máu lưu thông dễ dàng hơn, hỗ trợ cải thiện những cơn đau đầu buồn ngủ.
- Dùng tinh dầu bạc hà: Tinh dầu bạc hà có thể làm giảm tình trạng đau đầu, giúp cơ thể tỉnh táo, sảng khoái, hạn chế cảm giác buồn ngủ. Bạn chỉ cần dùng một ít tinh dầu bạc hà thoa vào hai bên thái dương đồng thời day nhẹ khoảng 5 - 10 phút để cải thiện chứng nhức đầu buồn ngủ.
- Chườm nóng/lạnh: Sự chênh lệch nhiệt độ giữa da đầu và khăn chườm sẽ giúp làm co giãn các mạch máu, góp phần cải thiện tuần hoàn máu. Nhờ đó, cơn nhức đầu dần thuyên giảm. Bạn có thể đắp khăn nóng/lạnh lên trán, nằm thư giãn khoảng vài phút cho đến khi cơ thể ổn định.
Cách phòng ngừa nhức đầu buồn ngủ
Để phòng ngừa tình trạng đau đầu buồn ngủ, bạn có thể áp dụng các biện pháp dưới đây:
- Thường xuyên tập thể dục: Vận động thể chất tối thiểu 30 phút/ngày giúp cơ thể dẻo dai hơn, gia tăng sức đề kháng, góp phần cải thiện chất lượng giấc ngủ, làm giảm cảm giác mệt mỏi, đau nhức, hỗ trợ đầu óc thêm nhạy bén, tỉnh táo. Tập thể dục thường xuyên còn giúp làm giảm nguy cơ mắc phải một số căn bệnh nguy hiểm.
- Áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp: Mỗi người nên xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học, cung cấp đầy đủ những dưỡng chất thiết yếu từ nhiều loại thực phẩm như: cá, thịt để bổ sung protein, chất béo có lợi cho cơ thể; hoa quả, rau xanh để bổ sung vitamin, chất xơ cần thiết, hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động ổn định, thư giãn tinh thần. Bạn không nên dùng các chất kích thích và rượu bia bởi có thể khiến chứng đau đầu diễn ra nghiêm trọng hơn. Bổ sung các hoạt chất thiên nhiên như từ Ginkgo Biloba (bạch quả) và Blueberry (việt quất) có thể giúp hỗ trợ tăng cường dưỡng lên não, điều hòa máu não, cải thiện tình trạng thiếu máu não, đau đầu…
- Giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan: Duy trì suy nghĩ vui vẻ, tích cực, lạc quan giúp bạn phòng ngừa nguy cơ gặp các bệnh lý về thần kinh. Bạn nên chia sẻ những tâm tư của mình với người thân, bạn bè, đồng nghiệp để giải tỏa áp lực tâm lý. Bên cạnh đó, mỗi người cần sắp xếp thời gian học tập, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để có thể thư giãn, giúp cải thiện tình trạng đau đầu, nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Đau đầu buồn ngủ có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm. Do đó, khi thấy tình trạng nhức đầu buồn ngủ kéo dài, diễn ra nghiêm trọng, người bệnh cần sớm đến cơ sở y tế thăm khám.