Những "miếng" hài thú vị đã được tung ra
Như đã nói, Cunk on Earth là series phim tài liệu giả tưởng có thể tạo ra tiếng cười cho khán giả. Dù đi vào những chủ đề có phần nhạy cảm như tôn giáo, sắc tộc… series cũng giải quyết khá “ngon lành” bằng tiếng cười trào lộng nhất có thể.
Để làm được điều này, Cunk on Earth đã phải thả nhiều "mảng miếng" gây cười khác nhau:
Tiếng nói "gói" tiếng cười
Nếu Cunk on Earth là một phim câm (không có âm thanh,) bạn sẽ nhận ra chẳng còn mấy niềm vui thú khi xem series này nữa.
Bạn sẽ sớm nhận ra nó giống như một chương trình dạy lịch sử văn minh nhân loại trên TV, với các hình ảnh đồ họa đẹp mắt, những cảnh dàn dựng hấp dẫn. Lúc đó, Cunk on Earth chẳng còn “miếng hài” nào và cũng chẳng thể cười nổi.
Vì thế, giọng nói là một thứ vô cùng quan trọng và chính nó làm nên tiếng cười của Cunk On Earth. Hay đúng hơn, chính kịch bản với những lời bình luận ngang ngược, những câu hỏi rất ngây ngô ngờ nghệch ngốc nghếch mới là "thuốc" gây cười của series này.

Rất khó để dự đoán được lời nói hay thông điệp của Philomena Cunk mỗi khi cô mở miệng ra nói, để kể hay phỏng vấn các nhân vật. Tính khó lường và thường gây ra bất ngờ vừa khiến cho tình tiết phim hấp dẫn, buộc khán giả chăm chú lắng nghe và “sập bẫy” bằng tiếng cười.
Nữ diễn viên Diane Morgan từng chia sẻ kèm theo giễu nhại về nhân vật Cunk nói quá nhiều trong phim, "Mọi người tự luyến về việc được nói bất cứ thứ gì họ muốn mà chẳng cân nhắc, cẩn trọng. Cô ấy (Cunk) cũng chả quan tâm, thật là sức mạnh vô biên."
Đứng lên hài độc thoại
Nhân vật hư cấu Philomena Cunk trong series mang nhiều yếu tố của một nghệ sĩ hài độc thoại. Hay chí ít, cô đã sử dụng nhiều “chiêu” gây cười mà các nghệ sĩ hài độc thoại vẫn sử dụng.
Cunk đã đưa nhiều yếu tố châm biếm vào câu chuyện của mình, và cũng nói không ít các chủ đề nhạy cảm như chính trị, chủng tộc, tôn giáo... với mục đích tạo ra sự mâu thuẫn, từ đó mà tiếng cười bật ra thành tiếng.
Philomena Cunk cũng sử dụng các "mảng miếng" gây hài khác trong trường phái hài độc thoại như kể chuyện đời bi hài của bản thân; gây cười từ nỗi đau, dùng lối nói ẩn dụ, đối thoại với khán giả (ở đây chính là các chuyên gia có mặt trong các buổi phỏng vấn…) nhằm gây cười.
Ai tin vào sự thật khách quan?
Post-truth (hậu-sự thật/sự thật chủ quan) cũng là thủ pháp gây cười xuất hiện rất nhiều trong phim này. Post-truth ám chỉ một tình trạng xã hội trong đó các công chúng truyền thông, và cả các chính trị gia, không còn tôn trọng sự thật khách quan. Họ chỉ còn tin vào những gì họ coi là đúng; hoặc cảm thấy có thể chấp nhận được (Học giả truyền thông Jayson Harsin.)
Nhân vật Philomena Cunk được xây dựng theo hướng một người có xu hướng post-truth. Điều này đã được chính Diane Morgan và nhà sản xuất Charlie Brooker xác nhận.

Vì thế, những câu hỏi hay hướng tiếp cận gây cười của Pholimena Cunk trong lúc giới thiệu hay trò chuyện với các trí thức, nhà khoa học, sử gia, nhà nghệ thuật học.... được xây dựng trên sự thật chủ quan mà nhân vật này suy nghĩ.
Bạn đã bao giờ đặt câu hỏi: tượng David, kiệt tác của nghệ sĩ vĩ đại Michelangelo không có hậu môn? Hay người nổi tiếng đầu tiên nào trên thế giới là nạn nhân của cancel culture (văn hóa tẩy chay?) Bạn cười, không phải câu hỏi ngô nghê mà còn thấy nó thật phi lý và trào lộng.
Vì thế, mẫu hình nhân vật của Philomena không phải trẻ con “không biết gì” nhưng là người sống trong niềm tin vào sự thật mà cô cho là đúng.
Cực kỳ cục cũng là cách gây cười
Xuyên suốt bộ phim, Philomena Cunk hiện lên là một nhân vật hết sức kỳ cục. Nó đến từ cách suy nghĩ khác biệt, cách tiếp cận vấn đề khác lạ. Nó còn đến từ sự lộ bịch với gương mặt tỉnh bơ chưa một lần cười nhưng đã khóc của cô trong series này.
Điều này được thể hiện qua cách kể chuyện, cách dẫn dắt câu chuyện bằng ngôn ngữ bình dân, đại trà hay lối so sánh ngang bằng mà không quan tâm đến bối cảnh, diễn ngôn.
Sự kỳ cục còn đến từ những màn hỏi đáp tréo ngoe giữa Cunk và những khách mời, những nhà nghiên cứu uy tín trong các lĩnh vực khoa học, triết học, khảo cổ học, lịch sử, nghệ thuật...

Hầu hết các đoạn hội thoại trong Cunk on Earth đều có thể khiến bạn cười. Nó đến từ cách đặt câu hỏi ngớ ngẩn, đánh tráo khái niệm - văn cảnh, bằng lối tư duy post-truth của chính Philomena Cunk.
Những biểu cảm khó xử (awkward) tạo ra sự lúng túc trong giao tiếp (socially awkward) ở các màn đối thoại trực tiếp gây ra tiếng cười cho người tiếp nhận.
Châm biếm, cũ nhưng luôn hiệu quả
Giễu nhại, trào lộng hay châm biếm luôn là một công cụ hiệu quả để gây cười. Chúng ta có thể gặp kỹ thuật này ở bất cứ mọi nơi, từ truyện đến phim, từ sân khấu ra đời thực. Và Philomena Cunk cũng đã sử dụng kỹ thuật này không ít lần trong suốt series nhằm kích cho khán giả cười.
Ngay ở những phút đầu tiên của series, Philomena Cunk cũng đã kịp châm biếm nhẹ nhàng, "Đây là câu chuyện phi thường về cách loài người đã biến đổi thế giới, từ tự nhiên vô vị bao la đến vô vàn những thứ hiện đại thế này (tiếng ồn ào trên phố.) Và cách thực hiện, không gì khác ngoài đôi bàn tay và trí tưởng tượng cũng như công cụ, điện lưới và Internet."
So sánh xác ướp Ai Cập cổ đại với công nghệ làm đẹp, mỉa mai sự vô vị của cuộc sống hiện đại... là một trong những ví dụ cho một cuộc châm biếm dài hơi trong Cunk on Earth. Và cứ mỗi lần châm biếm một thứ gì đó, y như rằng khán giả lại cười thành tiếng lúc nào không hay biết.