Goodreads là một chuyên trang tương tác cho phép độc giả có thể tìm kiếm thông tin về các đầu sách và cùng nhau bình sách. Số lượng các đầu sách được đề cập trên chuyên trang Goodreads là rất lớn, lên tới hàng trăm triệu quyển, với số lượng thành viên tham gia lên tới hàng chục triệu người đến từ khắp nơi trên thế giới.
Dưới đây là 20 đầu sách hay nhất ở 20 hạng mục do Goodreads bình chọn dựa trên số phiếu của các độc giả:
Tiểu thuyết hư cấu hay nhất: Go Set A Watchman (Giá của trưởng thành) - Harper Lee
Nhà văn Mỹ Harper Lee vốn nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết “Giết con chim nhại” xuất bản năm 1960. Kể từ sau khi ra mắt tác phẩm đầu tay, bà “ở ẩn”, không xuất bản thêm bất cứ tác phẩm nào suốt 55 năm qua, mãi tới mới đây, bà mới công bố phần tiếp theo của “Giết con chim nhại”. Ở phần này, bối cảnh là 20 năm sau, khi cô bé Scout 6 tuổi năm nào giờ đã 26 tuổi.
Scout rời New York để trở về thăm người cha già Atticus ở bang Alabama, tại đây, những ký ức tuổi thơ ùa về. Những nhân vật đã xuất hiện trong “Giết con chim nhại” đều tái xuất trong phần hai này.
Chuyến trở về của Scout vừa hạnh phúc vừa khổ đau, khi cô biết được những sự thật giấu kín bao lâu nay về gia đình mình, về những người thân yêu nhất của cô. Đối với nhiều độc giả từng yêu mến cuốn “Giết con chim nhại”, việc nhà văn Harper Lee cho ra mắt phần tiếp theo khiến họ cảm thấy lo lắng bởi sợ rằng tác phẩm sẽ không đáp ứng được kỳ vọng.
Nhưng “Go Set A Watchman” đã khiến phần đông độc giả “thở phào nhẹ nhõm” bởi sự lôi cuốn của nó. Người đọc được cùng đồng hành với cô bé Scout năm nào trên con đường đi tới sự trưởng thành với một nhãn quan chín muồi về cuộc đời và con người.
Tiểu thuyết ly kỳ - huyền bí hay nhất: The Girl On The Train (Cô gái trên chuyến tàu) - Paula Hawkins
Đây là tiểu thuyết ly kỳ đầu tay của nhà văn Anh Paula Hawkins nhưng đã rất thành công. Tác phẩm xoay quanh nhân vật nữ chính Rachel, cô luôn đi cùng một chuyến tàu vào mỗi sáng và bắt gặp những cảnh tượng quen thuộc. Bỗng một ngày cô nhận thấy những điều bất thường xảy ra, kể từ đây, cô không thể nào tách mình ra khỏi những sự việc bí ẩn đã thấy.
Tiểu thuyết lịch sử hay nhất: The Nightingale (Chim sơn ca) - Kristin Hannah
Lấy bối cảnh Thế chiến II, “The Nightingale” theo chân hai nhân vật nữ chính: hai cô gái người Pháp - Vianne và Isabelle. Trong những biến động của lịch sử thế giới, nhà văn Mỹ Kristin Hannah đã phản ánh thời cuộc thông qua số phận của hai người phụ nữ.
“The Nightingale” cho thấy sự dữ dội của một giai đoạn lịch sử thông qua những số phận con người - những người phụ nữ nhỏ bé. Độc giả sẽ phải lau nước mắt trước những gì mà hai nữ nhân vật chính trải qua. Sự tàn khốc của chiến tranh được khắc họa sắc sảo, khiến những ai chưa từng trải qua chiến tranh cũng phải nghẹn ngào.
Tiểu thuyết giả tưởng hay nhất: Trigger Warning (Cảnh báo) - Neil Gaiman
“Trigger Warning” là một tuyển tập gồm nhiều truyện ngắn giả tưởng, mang hàm ý ngụ ngôn, viết về những chiếc mặt nạ mà mỗi người đều đeo hàng ngày để che giấu đi những điều trần trụi về bản thân mình. Nhà văn Anh Neil Gaiman đã đưa vào tác phẩm cả văn phong ly kỳ, kinh dị, khoa học giả tưởng, cổ tích, thơ, ngụ ngôn… trong tuyển tập truyện ngắn của mình.
Tiểu thuyết lãng mạn hay nhất: Confess (Thú nhận) - Colleen Hoover
Tác phẩm của nữ nhà văn Mỹ kể về Auburn Reed, cô gái 21 tuổi, đang phải đương đầu với một cuộc sống đáng buồn, vụn vỡ. Trong nỗ lực xây dựng lại đời mình, Auburn gặp chàng nghệ sĩ Owen Gentry. Bản thân Owen cũng có những bí mật kinh khủng trong quá khứ.
Không muốn cuộc sống của mình trượt dài thêm nữa, Auburn buộc phải kiểm soát trái tim mình và tìm cách lánh xa khỏi “chàng trai rắc rối”. Nhưng liệu tình cảm chân thành có dễ dàng điều khiển như vậy? Cuốn tiểu thuyết lãng mạn xoay quanh việc chúng ta phải luôn chấp nhận sự mạo hiểm để có được tình yêu đích thực như thế nào.
Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hay nhất: Golden Son (Đứa con trai vàng) - Pierce Brown
“Golden Son” mang màu sắc của những bộ tiểu thuyết đình đám đã ra mắt trước đó như “The Hunger Games” (Đấu trường sinh tử), “Game of Thrones” (Trò chơi vương quyền) hay “Ender’s Game” (Cuộc đấu của Ender)…
“Golden Son” dõi theo nhân vật nam chính Darrow - một thợ mỏ làm việc trên sao Hỏa - một hành tinh bị thống trị bởi những kẻ cầm quyền “đẳng cấp vàng”. Người dân nơi đây phải tuân theo những điều luật như ở thời La Mã cổ xưa. Darrow đã chiến đấu, dẫn dắt dân chúng bị đàn áp đi tới tự do, chống lại những kẻ áp bức, bóc lột.
Tiểu thuyết kinh dị hay nhất: Saint Odd (Thánh Odd) - Dean Koontz
“Saint Odd” là phần cuối trong bộ tiểu thuyết 7 tập “Odd Thomas”. Bộ tiểu thuyết xoay quanh nhân vật nam chính Odd Thomas - một thanh niên có khả năng nhìn thấy những người quá cố và luôn tìm cách để giúp những trăn trở cuối cùng chưa hoàn tất của họ được thực hiện.
Trong những chuyến hành trình kỳ lạ và kỳ diệu của mình, Odd Thomas đã được thấy cả những điều bí ẩn và kinh hoàng, đã hiểu thế là nào là nhân hậu và độc ác, tình yêu và mất mát, sống và chết… Sau tất cả những gì đã trải qua, cuộc đời của anh vĩnh viễn thay đổi, cuối cùng, Thomas quyết định trở về quê nhà, ở đây, còn một thử thách cuối cùng đang chờ đợi…
Tiểu thuyết hài hước hay nhất: Why Not Me? (Tại sao không phải tôi?) - Mindy Kaling
Mindy Kaling là một nữ diễn viên hài nổi tiếng trên màn ảnh nhỏ của Mỹ, nhưng không chỉ vậy, cô còn có khả năng khiến độc giả bật cười khi đọc sách của mình. Cuốn sách là một tuyển tập những bài viết xoay quanh những bài học mà cô đã nhận được khi tìm cách thích nghi với cuộc sống ở Hollywood. Những câu chuyện hài hước, dí dỏm nhưng cũng rất cảm động và sắc sảo được viết bởi một người trong cuộc ở Hollywood.
Sách không phải tiểu thuyết hay nhất: Modern Romance (Sự lãng mạn hiện đại) - Aziz Ansari
Tác phẩm của nam diễn viên hài người Mỹ Aziz Ansari đã nhìn nhận sâu kỹ việc công nghệ thay đổi chuyện yêu đương, hẹn hò như thế nào. Những ứng dụng trên điện thoại, các website hẹn hò, mạng xã hội, biểu tượng cảm xúc… đều góp phần thay đổi cách người ta yêu nhau. Cuốn sách hài hước, chân thực và lôi cuốn viết về tình yêu thời hiện đại, không hề giáo điều.
Hồi ký hay nhất: A Work In Progress (Việc đang làm) - Connor Franta
Cây bút trẻ người Mỹ Connor Franta mới 23 tuổi nhưng đã sống và trải nghiệm đủ về cuộc đời để viết nên một cuốn hồi ký. Đặc biệt, cuốn hồi ký này còn bán rất chạy và được đánh giá cao. Là một vlogger đình đám trên YouTube, Franta công khai mình là người đồng tính và chia sẻ chân thật về tuổi thơ cùng những vật lộn của bản thân bằng ngôn từ đầy cảm xúc, khiến độc giả vừa cảm động vừa ngưỡng mộ sự thông thái, dí dỏm của chàng trai trẻ.
Tiểu sử hay nhất: Dead Wake: The Last Crossing Of Rhe Lusitania (Chuyến vượt biển cuối cùng của Lusitania) - Eric Larson
Cuốn tiểu sử kể lại vụ chìm tàu Lusitania hồi Thế chiến I. Con tàu hạng sang chở tổng cộng gần 2.000 người đi từ New York (Mỹ) tới Liverpool (Anh), bất kể vùng biển mà nó đi qua đang xảy ra nhiều tranh chấp, biến động và ở vào tình trạng thủy chiến. Hậu quả xảy đến là con tàu đã bị trúng ngư lôi và chìm ngoài khơi khiến gần 1.200 người thiệt mạng.
Sách khoa học và công nghệ hay nhất: Beneath the Surface: Killer whales, Seaworld and the Truth Beyond Blackfish (Cá heo, đại dương và sự thật vượt ngoài Blackfish) - John Hargrove
Tác giả John Hargrove đã thực hiện được ước mơ thuở nhỏ của mình khi trở thành một người huấn luyện cá heo tại hai viện hải dương học ở Mỹ. Tuy vậy, trong quá trình làm việc với cá heo, Hargrove dần tự hỏi rằng liệu những nhu cầu tự nhiên của cá heo có thể được đáp ứng trong điều kiện “nuôi nhốt”.
Hai đồng nghiệp của Hargrove thậm chí đã bị cá voi giết… Hargrove từng xuất hiện trong phim tài liệu “Blackfish” và cuốn sách này được anh thực hiện để đưa ra những góc nhìn sâu sắc hơn về mặt tối của việc nuôi nhốt cá heo.
Sách ẩm thực và nấu ăn hay nhất: The Pioneer Woman Cooks: Dinnertime (Phụ nữ tiên phong nấu ăn: Giờ ăn) - Ree Drummond
Sự thành công của cuốn sách nằm ở chỗ tác giả của nó hiểu rằng gia đình hiện đại và phụ nữ hiện đại luôn muốn nấu ăn vừa ngon vừa nhanh. Nắm được nhu cầu này, đầu bếp người Mỹ Drummond đã đưa ra các công thức nấu ăn cho cả gia đình chỉ gói gọn trong vòng 16 phút.
Phụ nữ hiện nay thường gặp phải áp lực trong việc cân đối công việc và gia đình. Dù áp lực ngoài xã hội thế nào, khi về nhà họ vẫn phải tạo được không khí gia đình đầm ấm. Những bữa ăn ngon miệng, dễ thực hiện, không tốn thời gian, chính là điều mà phụ nữ hiện đại tìm kiếm.
Truyện tranh hay nhất: Saga: Volume 4 (Trường thiên tiểu thuyết: Phần 4) - Brian K Vaughan (nhà văn) & Fiona Staples (họa sĩ)
“Saga” là câu chuyện cổ tích về một gia đình nhỏ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để có thể sinh tồn trong vũ trụ. Khi họ bước vào một thế giới hoàn toàn mới lạ và phải đối diện với biết bao khó khăn, cô bé Hazel và cha mẹ đã vật lộn để sinh tồn. Bộ tiểu thuyết này chứa đựng cả chất hài, chất bi và chất giả tưởng.
Thơ hay nhất: The Dogs I Have Kissed (Những chú cún tôi đã hôn) - Trista Mateer
Tuyển tập thơ thứ hai của nữ nhà thơ người Mỹ Trista Mateer khắc họa tâm trạng và nghĩ suy của người phụ nữ khi tưởng đã tìm thấy tình yêu đích thực, cuối cùng tình yêu đó lại tan vỡ, để lại nhiều đau đớn, nhưng trái tim vẫn quyết không để mất đi niềm tin và hy vọng.
Tác phẩm đầu tay hay nhất: Red Queen (Nữ hoàng đỏ) - Victoria Aveyard
“Red Queen” viết về cô gái 17 tuổi Mare Barrow sống trong một xã hội được chia thành hai nhóm, nhóm Đỏ gồm những thường dân, và nhóm Bạc gồm những kẻ thống trị. Mare thuộc nhóm Đỏ, nhưng nắm giữ năng lực phép thuật của nhóm Bạc. Mare đã trở thành một thành viên trong nhóm Bạc để âm thầm phá hủy giai cấp thống trị khắc nghiệt này từ ngay trong lòng thành trì của nó.
Tiểu thuyết cho thanh thiếu niên hay nhất: All the Bright Places (Tất cả những nơi rực sáng) - Jennifer Niven
Theodore Finch luôn nghĩ về cái chết và muốn kết thúc cuộc đời mình. Violet Markey thì luôn nghĩ về tương lai và đếm từng ngày cho tới khi tốt nghiệp trung học để có thể rời xa thị trấn nhỏ nơi mình đang sống.
Finch và Violet lần đầu gặp nhau trên tháp chuông của trường, một tình bạn bất ngờ hình thành và vĩnh viễn thay đổi cả hai. Từ đó, Finch hiểu rằng cậu có thể cứ là chính mình - kỳ quặc nhưng hài hước, và Violet hãy thôi nghĩ quá nhiều về tương lai để thực sự sống cho hiện tại.
Nhưng khi thế giới của Violet ngày càng mở rộng thì thế giới của Finch ngày càng thu hẹp… Cuốn tiểu thuyết dành cho tuổi mới lớn đã có kế hoạch chuyển thể thành phim điện ảnh vào năm 2017.
Tiểu thuyết giả tưởng cho thanh thiếu niên hay nhất: Queen of Shadows (Nữ hoàng bóng tối) - Sarah J Maas
“Queen of Shadows” là tập thứ 4 trong loạt tiểu thuyết bán chạy “A Throne of Glass” (Chiếc ngai thủy tinh). Tập truyện theo chân nhân vật nữ chính Celaena Sardothien chiến đấu giành lại ngôi vị và đánh bại kẻ thù.
Khi tất cả những người thân yêu của Celaena đều đã bị ám hại, cô trở về vương quốc đang tàn lụi để trả thù và giải cứu cho quê hương, đồng thời, Celaena cũng phải đối diện với những bóng đen trong quá khứ của chính mình…
Sách dành cho thiếu niên hay nhất: Magnus Chase and the Gods of Asgard: The Sword of Summer (Magnus Chase và những vị thần Asgard: Thanh gươm mùa hè) - Rick Riordan
Cuốn sách của nhà văn Mỹ Rick Riordan xoay quanh cậu bé Magnus Chase - một đứa trẻ rắc rối, kể từ khi mẹ cậu qua đời một cách bí ẩn, Magnus sống lang thang trên phố. Một ngày, cậu gặp người bác ruột trước nay chưa hề biết tới.
Bác Randolph nói cho cậu biết một bí mật khó tin rằng cậu là con trai của một vị thần và những câu chuyện thần thoại Bắc Âu là có thật, cuộc chiến Ragnarok sắp nổ ra, đó chính là ngày tận thế. Để ngăn chặn điều này, Magnus phải tìm lại được bảo vật đã bị đánh mất hàng ngàn năm.
Truyện tranh hay nhất: The Day The Crayons Came Home (Ngày gia đình bút sáp về nhà) - Drew Daywalt & Oliver Jeffers
Tác phẩm xoay quanh cậu bé Duncan và sứ mệnh giải cứu những chiếc bút màu, như bút màu Hạt dẻ bị lạc dưới đệm ghế sofa và bị gãy đôi khi cha của Duncan ngồi lên. Bút màu Ngọc lam bị chảy ra sau khi vô tình bị rơi vào máy sấy quần áo…
Duncan phải giải cứu tất cả những chiếc bút sáp và để cả gia đình bút sáp đoàn tụ nguyên vẹn, đầy đủ trong chiếc hộp đựng. Cuốn sách chứa đựng tất cả niềm vui - nỗi buồn được nhìn nhận thông qua lăng kính trẻ thơ.
Bích Ngọc Tổng hợp