1. Bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam
Toạ lạc giữa trung tâm thành phố Thái Nguyên, trên một vùng đất rộng 28.000m2. Tại đây thời Pháp thuộc năm xưa từng là khuôn viên của toà sứ, toà phó sứ tỉnh Thái Nguyên, phía sau là một khuôn viên rộng nhiều cây cối cổ thụ, tạo phong cảnh râm mát. Bảo tàng là một công trình kiến trúc lớn được trang trí bởi nhiều đường nét hoa văn dân gian dân tộc Việt Nam. Có thể nói nơi đây là một công trình kiến trúc đẹp nhất và là niềm tự hào của mỗi người dân Thái Nguyên, với hơn 3.000m2 sử dụng cho trưng bày, kho bảo quản và các hoạt động khác.
Bảo tàng được xây dựng thành 5 khối kiến trúc là phòng trưng bày lớn. Trước đây bảo tàng chuyên giới thiệu về lịch sử đấu tranh Cách Mạng của nhân dân các dân tộc Việt Bắc, ngày nay bảo tàng lưu giữ và trưng bày hơn 10.000 hiện vật, tài liệu di sản văn hoá của 54 dân tộc Việt Nam bao gồm:
- Phòng Việt Mường: Gồm các dân tộc Việt, Mường, Thổ, Chứt
- Phòng Tày Thái: Gồm các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Lao, Lự, Sản Cháy...
- Phòng Mông Dao và nhóm Nam á khác: Gồm Hmông, Dao, Pà Thẻn, La Chí, La Ha, Cờ Lao, Pu Péo.
- Phòng Nôm, Khơ Me: Gồm các dân tộc Ba Na, Khơ ú, Sơ Đăng, Cờ Ho, Hrê, Cờ Tu, Mạ...
- Phòng Hán Hoa: Gồm các dân tộc Hoa Ngái, Sán Dìu, Hà Nhi, Lô Lô, Gia Lai, Ê Đê...
Hiện nay Bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam đã thu hút nhiều khách trong và ngoài nước đến thăm quan và tìm hiểu về bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.
2. Đền thờ Đội Cấn.
Đền thờ đội cấn trên đồi lịch sử cách mạng Đội Cấn tại trung tâm thành phố Thái Nguyên, thuộc phố Phủ Liễn - Phường HVT - thành phố Thái Nguyên.
Khởi nghĩa Thái Nguyên cùng tên tuổi Đội Cấn, Lương Ngọc Quyến đã thực sự là những nét vàng ghi trong trang sử hào hùng của đất Thái Nguyên, của lịch sử dân tộc. Và cũng tại đây nhân dân ta đã dựng ngôi đền thờ để tưởng nhớ về người anh hùng dân tộc Đội Cấn, một di tích lịch sử cấp quốc gia đã được nhà nước xếp hạng bảo tồn. Ngày nay, đài tưởng niệm ghi danh, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ Thái Nguyên một công trình kiến trúc hiện đại trang nghiêm trong quần thể Đội Cấn lịch sử - Văn hoá tại Trung tâm thành phố Thái Nguyên đã trở thành một điểm tham quan hấp dẫn du khách ngay từ khi đặt chân đến Thái Nguyên.
3. Chùa Phủ Liễn
Chùa Phủ liễn là một điểm du lịch văn hoá tâm linh của nhân dân các địa phương lân cận, có lễ hội diễn ra hàng năm từ 10 - 15 tháng giêng, tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên. Lễ phật cầu phúc, cầu tài, các trò chơi chọi gà, đánh đu, cờ tướng, bình đọc thơ văn...
4. Khu du lịch Hồ Núi Cốc
Hồ Núi Cốc thuộc xã Tân Thái, huyện Đại Từ, Thái Nguyên, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 15 km về hướng Tây Nam.
Đến với khu du lịch Núi Cốc có hồ nằm giữa một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú "Sởn thuỷ hữu tình" Nơi đây đã nổi tiếng bởi nét đẹp thiên tạo. Núi Cốc tên gọi một vùng đất, vùng Hồ nên thơ (Hồ trên Núi) lung linh sắc mầu huyền thoại câu chuyện tình thuỷ chung truyền thuyết Chàng Cốc - Nàng Công.
Hồ Núi Cốc một hồ nhân tạo chắn ngang dòng Sông Công nằm trên cao lưng chừng núi có diện tích mặt hồ rộng 25km2, trên lòng hồ có 89 hòn đảo, có đảo là rừng xanh, có đảo là nơi cư trú của những đàn Cò, có đảo là quê hương của loài Dê và đảo đền thờ bà chúa Thượng Ngàn... Con đập chính của Hồ dài gần 500m, Hồ có độ sâu 23m với dung tích 175 triệu m3 nước.
Hồ Núi Cốc là một danh lam thắng cảnh đẹp, đến với Khu du lịch Hồ Núi Cốc du khách sẽ cảm thấy sự thoải mái và hài lòng với nhiều hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí, huyền thoại cung, công viên cổ tích, vườn thú và hệ thống khách sạn nhà hàng phong phú... Từ nhiều năm nay Hồ Núi Cốc đã trở thành địa chỉ tham quan hấp dẫn du khách trong nước và ngoài nước
5. Di tích văn hoá lịch sử Núi Văn - Núi Võ
Núi Văn - Núi Võ nằm dưới chân núi Tam Đảo thuộc 2 xã Văn Yên, Ký Phú, huyện Đại Từ - Thái Nguyên, cách thành phố Thái Nguyên 30 km về phía Tây. Một di tích gắn với tên tuổi vị danh tướng, là quê hương Lưu Nhân Chú với những đóng góp kiệt xuất cho cuộc kháng chiến chống giặc Minh thế kỷ 15 và triều đại nhà Lê.
6. Khu du lịch ATK Định Hoá Thái Nguyên.
Theo Quốc Lộ 3 (Thái Nguyên - Cao Bằng) cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 50 km về phía Tây, Tây Bắc, một miền đồi núi hiểm trở có địa thế chiến lược về quân sự. Định Hoá được chọn làm an toàn khu (ATK) là trung tâm lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương Đảng và chính phủ đã từng làm việc ở đây từ năm 1947 - 1954. Có thể nói ATK là nơi đặt đại bản doanh Thủ Đô của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm xưa.
Đã có đến gần 100 di tích lịch sử còn khắp núi rừng Định Hoá, đến nay 6 di tích đã được nhà nước xếp hạng bảo tồn cấp Quốc Gia đó là:
- Di tích Tỉn Keo, xã Phú Đình: Nơi Bác Hồ đã ở và làm việc từ 1947 - 1948, cũng là nơi Hồ Chủ Tịch quyết định chiến dịch Đông Xuân năm 1953 - 1954.
- Di tích đồi Cọ xóm Khuổi Tát, xã Phú Đình; Nơi Hồ Chủ Tịch ở và làm việc với các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...
- Di tích lịch sử Phụng Hiểu, xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá là nơi làm việc của đồng chí Trường Chinh.
- Di tích xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh nơi cơ quan Bộ Quốc Phòng và Đại tường Võ Nguyên Giáp đóng từ 1949 - 1954.
- Di tích làng Quạng, xã Định Biên, tại đây ngày 15/5/1945 diễn ra lễ hợp nhất Việt Nam TTGPQ và đội Cứu Quốc quân thành lập đội Việt Nam Giải Phóng Quân.
Di tích nhà tù chợ Chu do thực dân Pháp xây dựng để giam giữ các chiến sĩ Cách Mạng từ năm 1916.
Ngoài ra Định Hoá còn hấp dẫn du khách với nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú như: Thắng cảnh chùa Hang, thác nước 7 tầng, Hồ Bảo Linh... là những điểm du lich sinh thái hấp dẫn.
Với một địa danh truyền thống lịch sử và văn hoá nhiều di tích lịch sử cách mạng giàu ý nghĩa lại có nhiều danh lam thắng cảnh, ATK Định Hoá chắc hẳn sẽ hấp dẫn du khách với những chương trình tham quan du lịch: Văn hoá - Lịch sử - Sinh thái
7. Đền Đuổm
Di tích nằm ngay chân núi Đuổm, thuộc xã Động Đạt, huyện Phú Lương, Thái Nguyên, cạnh Quốc Lộ 3, cách thành phố Thái Nguyên 23 km về phía Tây Bắc. Đền được xây dựng từ thời nhà Lý để thờ Phò Mã Dương Tự Minh, Mẫu hậu và hai người vợ của ông là Diên Bình.
Đền Đuổm được xây dựng trên một vùng có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Hàng năm nhân dân địa phương tổ chức lễ hội Đền Đuổm vào ngày 6 tháng giêng. Có thể nói đền đuổm vừa là di tích lịch sử vừa là thắng cảnh đẹp của Thái Nguyên thu hút nhiều khách thập phương đến tham quan, dự hội tháng giêng.
8. Khu du lịch Văn hoá Du lịch sinh thái Hang động Đồng Hỷ - Võ Nhai.
Từ Trung tâm thành phố Thái Nguyên, qua cầu Gia Bảy, du khách theo hướng QL 1 (Thái Nguyên - Lạng Sơn) đên di tích Chùa Hang thuộc thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 2km về phía Tây Bắc.
. Chùa Hang
Chùa Hang nằm trong hệ thống núi đá vôi tự nhiên có phong cảnh thiên nhiên đẹp, có động ăn sâu vào trong lòng núi. Phong cảnh đẹp nơi đây được thể hiện bằng tấm bia đá khắc trực tiếp trên vách đá bằng chữ Hán - Nôm và gọi hang là "Tiên Nữ Động", Bia có niên hiệu Hồng Đức Đinh Tỵ năm thứ 27 (1487) thế kỷ XV, tấm bia này là hiện vật lịch sử ghi dấu một thời vua sáng tôi hiền.
. Động Linh Sơn
Động Linh Sơn thuộc xóm núi Hột, xã Linh Sơn, Đồng Hỷ Thái Nguyên cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 6 km về phía Đông Bắc và cách thị trấn chùa Hang Đồng Hỷ, Thái Nguyên 3 km về phía Đông Nam. Động là một trong những thắng cảnh đẹp của Thái Nguyên, được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng di tích thắng cảnh - lịch sử. Lòng hang rộng có thể chứa được cả ngàn người, khí hậu mát mẻ, thiên nhiên trong lành.
· Di tích khảo cổ học Thần Sa
Theo Quốc Lộ 1B di tích khảo cổ thuộc xã Thần Sa, huyện Võ Nhai cách thành phố Thái Nguyên 40 km về phía Bắc. Nơi đây những di chỉ khảo cổ đồ đá về con người sống cách chúng ta chừng 2 - 3 vạn năm được phát hiện ở hang Phiềng Tung (hang Miệng Hổ), Ngườm thuộc vùng Thần Sa chứng minh rằng tại đây đã tồn tại một nền văn hoá cổ gọi là văn hoá Thần Sa. Đây là nền văn hoá cổ nhất được biết đến cho tới nay ở Việt Nam và cả vùng lục địa Đông Nam Á.
Di tích khảo cổ học Thần Sa đã được nhà nước xếp hạng bảo tồn Quốc Gia. Đến với Thần Sa du khách đến với vùng núi đá vôi hùng vĩ, non xanh, nước biếc, du khách có thể thoả ước để xem và suy ngẫm tương tư về cuộc sống người xưa, và nay, đến Thần Sa để được ngắm tận mắt những bản nhà sàn đẹp mà ít nơi có được.
· Di tích Rừng Khuôn Mánh
Rừng Khuôn Mánh thuộc xã Tràng Xá - huyện Võ Nhai cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 50 km về phía Đông Bắc. Tại đây ngày 15/9/1941 Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã thay mặt thường vụ Trung ương Đảng chứng kiến lễ thành lập và trao nhiệm vụ cho đội Cứu Quốc Quân II, là một trong những đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.
· Hang Phượng Hoàng
Di tích thuộc xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên, nằm sát trục quốc lộ 1B (Thái Nguyên - Lạng Sơn) cách thành phố Thái Nguyên 42 km về phía Đông Bắc. Là một quần thể thắng cảnh đẹp của tỉnh Thái Nguyên bởi phong cảnh thiên nhiên đẹp hùng vĩ, hang động đẹp, nhiều dáng vẻ kỳ thú, có suối nước, thác nước trong xanh, khí hậu ôn hoà mát mẻ.
Hang Phượng Hoàng nằm trên đỉnh núi, cửa hang có độ cao khoảng 100m từ chân núi leo lên miệng hang qua nhiều vách đá tai mèo, hang ăn sâu xuống lòng núi, trong hang có dòng suối mát, nhiều nhũ đá đẹp. Dưới chân núi là suối Mỏ Gà, nước ngầm từ trong lòng núi chảy ra quanh năm. Phía trước cửa hang Suối Mỏ Gà có thác nước nhỏ được tạo nên bởi nhiều mô đá, bậc đá. Hạng Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà là một điểm du lịch xanh, leo núi, thám hiểm Du lịch sinh thái lý tưởng cho du khách. Năm 1994 đã được nhà nước xếp hạng di tích thắng cảnh cấp Quốc Gia./.
Lãnh sự - Việt kiều tổng hợp