Lang ben là bệnh ngoài da phổ biến do vi nấm gây ra. Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi và trong đó có trẻ em. Vậy nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và phòng ngừa lang ben ở trẻ em như thế nào?
Lang ben ở trẻ em là gì?
Lang ben ở trẻ em là bệnh ngoài da thường gặp do vi nấm gây ra. Bệnh biểu hiện lá các dát sắc tố màu sắc không đồng đều, sáng hoặc tối hơn màu da của trẻ. (1)
Nguyên nhân gây bệnh lang ben ở trẻ em
Nấm thường ký sinh trên da và bệnh lang ben xảy ra khi nấm phát triển và tăng số lượng quá mức. Loại nấm này sẽ phát triển khi gặp các điều kiện như:
- Vận động cường độ cao: Khi trẻ vận động cơ thể sẽ tiết ra mồ hôi, đặc biệt ở các vùng như lưng, ngực, cổ, bẹn. Nếu không được làm khô nhanh chóng sẽ làm da trẻ ẩm ướt và dễ phát sinh nấm gây bệnh lang ben.
- Vệ sinh không đúng cách: Trẻ không vệ sinh sạch sẽ cơ thể hoặc không lau khô người khi tắm xong sẽ tạo môi trường thuận lợi cho bệnh lang ben xuất hiện.
- Môi trường ẩm ướt, thời tiết nóng ẩm: Môi trường có độ ẩm cao, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho nấm gây bệnh lang ben phát sinh. Trẻ em sức đề kháng còn kém sẽ dễ nhiễm loại nấm này.
- Cơ địa của trẻ: Nếu da trẻ có làn da nhờn, cùng với sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể có thể là nguyên nhân khiến cho nấm phát triển và gây ra bệnh lang ben.

Các vị trí thường xuất hiện lang ben ở trẻ nhỏ
Lang ben ở trẻ nhỏ xuất hiện mọi vị trí trên cơ thể nhưng phổ biến ở trước ngực hoặc sau lưng.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị lang ben
Dấu hiệu để nhận biết trẻ bị lang ben là xuất hiện các mảng màu trắng, hồng hoặc nâu nhạt trên da, bề mặt có thể thấy vảy mịn. Ở điều kiện thời tiết bình thường, lang ben sẽ không ngứa hoặc ngứa ít, không đau. Ngoài ra, lang ben ở trẻ có thể nhận biết qua các dấu hiệu sau:
- Lang ben là bệnh tổn thương ngoài da.
- Lang ben thường gặp ở trước ngực hoặc sau lưng.
- Khi gặp nhiệt độ hoặc ra mồ hôi, độ ẩm tăng cao dễ gây ngứa cho trẻ.
- Lang ben gây ngứa nhiều vào mùa hè.
- Các mảng lang ben sẽ bùng phát nhiều nếu trẻ dùng thuốc steroid hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu.
Các triệu chứng của bệnh lang ben có thể giống với một số bệnh khác, vì vậy khi trẻ xuất hiện các bất thường ở da cần đưa đến bệnh viện có khoa da liễu để bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời nhằm tránh ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
Trẻ có nguy có mắc bệnh lang ben
Các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lang ben ở trẻ:
- Sống ở nơi khí hậu nóng ẩm.
- Làn da ẩm và nhờn.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu.
Bài viết liên quan: Lang ben ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán, phòng ngừa
Lang ben ở trẻ có nguy hiểm không?
Lang ben ở trẻ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, chỉ gây mất thẩm mỹ, khi hoạt động ở cường độ cao sẽ tăng bài tiết mồ hôi làm các tổn thương trên da ngứa râm ran. Ngoài ra, bệnh có nguy cơ lây lan sang người khác khi tiếp xúc trực với người bệnh, dùng chung khăn tắm, quần áo,..
Một số hình ảnh trẻ nhỏ bị lang ben


Nên làm gì khi phát hiện trẻ nhỏ bị lang ben?
Nếu ba mẹ nghi ngờ trẻ có lang ben nên đưa đến chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da để điều trị sớm và kịp thời. Bệnh lang ben có nguy cơ lây lan sang người khác và để lâu sẽ lan rộng ra nhiều vùng trên cơ thể trẻ, gây ngứa khi tiết mồ hôi và khó điều trị hơn.
Chẩn đoán lang ben ở bé như thế nào?
Để chẩn đoán bệnh lang ben ở trẻ bác sĩ sẽ thực hiện các cách sau: (2)
- Chẩn đoán lâm sàng: Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng trẻ đang gặp, thời gian xuất hiện các mảng sáng màu trên da, tiền sử bệnh,…
- Sử dụng ánh sáng: Đèn Wood sử dụng ánh sáng tia cực tím (UV) khi chiếu lên da sẽ xuất hiện màu vàng xanh nếu vùng đó mắc bệnh lang ben.
- Nhuộm soi tìm vi nấm: Bác sĩ sẽ cạo các tổn thương ngoài da và kiểm tra dưới kính hiển vi để phát hiện nấm gây bệnh lang ben.
Cách điều trị lang ben ở trẻ em
Lang ben có thể gây phiền toái cho người bệnh nhưng dễ điều trị. Bệnh lang ben điều trị bằng các loại kem bôi, dung dịch hoặc dầu gội bôi lên da. Các trường hợp lang ben lan rộng bác sĩ có thể kê toa thuốc uống giúp tiêu diệt và ngăn sự phát triển của nấm. Sau đây là một số thuốc để điều trị lang ben ở trẻ phổ biến.
1. Thuốc chống nấm không kê đơn
Trường hợp lang ben thể nhẹ sẽ điều trị bằng các loại kem bôi ngoài da, dung dịch hoặc dầu gội chống nấm. Các loại thuốc không kê đơn gồm có:
- Clotrimazole.
- Miconazole.
- Selenium sulfide .
- Terbinafine.
- Xà phòng kẽm pyrithione.
2. Thuốc chống nấm theo toa
Bác sĩ có thể đề nghị một loại thuốc chống nấm theo toa như:
- Ketoconazole.
- Ciclopirox.
Nếu các triệu chứng của trẻ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc uống chống nấm phổ biến sau:
- Fluconazole.
- Itraconazole.
Chăm sóc và phòng ngừa lang ben ở trẻ con
Trong thời gian điều trị lang ben cho trẻ cha mẹ cần chú ý các điều sau:
- Tuân thủ liều lượng thuốc bác sĩ đã chỉ định trước đó.
- Nếu tình trạng của trẻ nặng hơn cần gặp bác sĩ lập tức để thay đổi thuốc điều trị.
- Vệ sinh thân thể hàng ngày và lau khô người sau khi tắm.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát cho trẻ.
- Hạn chế tham gia các hoạt đồng cường độ cao để tránh đổ mồ hôi.
Ngoài ra, để phòng ngừa và ngăn bệnh lang ben ở trẻ tái phát, cha mẹ lưu ý:
- Tránh sử dụng các sản phẩm gây nhờn da cho trẻ.
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời lâu ngày gây nhiều tác hại đến da. Do đó, khi ra ngoài, hãy sử dụng kem chống nắng, mũ rộng vành, áo khoác dài tay, găng tay,… để bảo vệ da.
- Không mặc quần áo quá bó sát, còn ẩm tạo điều kiện cho nấm phát triển. Nên mặc các loại vải thoáng khí để giảm tiết mồ hôi.
- Tập thể dục hàng ngày để nâng cao sức khỏe .
- Xây dựng chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt là các loại vitamin và kẽm.

Một số câu hỏi về tình trạng lang ben ở trẻ nhỏ
1. Lang ben ở trẻ có tự hết không?
Theo các bác sĩ, lang ben ở trẻ là bệnh da liễu lành tính, có thể tự khỏi. Tuy nhiên, hầu hết khi mắc bệnh cần sử dụng thuốc điều trị lang ben theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát tốt tổn thương hạn chế lan rộng.
2. Lang ben ở trẻ có gây ngứa không?
Bệnh lang ben ở trẻ bình thường sẽ không đau, không ngứa nhưng cơ thể tiết mồ hôi sẽ tạo cảm giác khó chịu, ngứa râm ran.
3. Có nên tự chữa trị lang ben cho trẻ tại nhà?
Không. Các triệu chứng của lang ben có thể giống với một số bệnh ngoài da khác, nếu ba mẹ xác định sai bệnh và tự mua thuốc về sử dụng cho trẻ sẽ khiến bệnh nặng hơn gây khó điều trị. Do đó, ngay khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường ở da nên đưa đến bệnh viện có chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da để bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp giúp bệnh mau khỏi.
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM có các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm trong điều trị các bệnh về ngoài da như lang ben, bạch biến, vảy nến, đồi mồi, mụn cóc, sạm nám, mụn trứng cá, sẹo xấu, xóa xăm… cùng nhiều phác đồ, kỹ thuật mới, máy móc nhập khẩu chính hãng từ các nước Âu - Mỹ mang lại kết quả điều trị hiệu quả.
Bài viết viết trên đã cung cấp đầy đủ các thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách phòng ngừa lang ben ở trẻ em. Hy vọng, cha mẹ nắm rõ để phát hiện bệnh và đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.