Thực đơn cho người xơ gan hay thực đơn mỗi ngày cho người bệnh xơ gan khoa học, phù hợp sẽ góp phần giảm gánh nặng cho gan, cải thiện sức khỏe cho người bệnh. Vậy, thực đơn mỗi ngày cho người bệnh xơ gan nên xây dựng dựa trên nguyên tắc nào?
Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người xơ gan
Chế độ ăn uống và bệnh xơ gan có mối liên hệ qua lại với nhau. Bệnh xơ gan làm suy giảm chức năng gan, ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa, hấp thụ dưỡng chất của cơ thể.
Khi bị xơ gan, thay vì hấp thụ dinh dưỡng để tái tạo tế bào, cơ thể người bệnh lại có xu hướng đào thải dưỡng chất ra ngoài. Lâu dài, người bệnh xơ gan có nguy cơ bị suy nhược cơ thể, tạo điều kiện thuận lợi khiến bệnh tiến triển nhanh chóng. Ngược lại, một chế độ dinh dưỡng kém khoa học có thể làm tăng gánh nặng cho gan, khiến chức năng gan càng suy yếu nhanh và bệnh gan càng tiến triển nhanh.
Để bảo vệ sức khỏe người bệnh và hỗ trợ kiểm soát, ngăn chặn xơ gan phát triển nhanh, thực đơn mỗi ngày cho người bệnh xơ gan cần tuân thủ các nguyên tắc dinh dưỡng sau đây:
1. Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng
Trên thực tế, khi chức năng gan suy giảm do xơ gan, người bệnh thường bị biếng ăn và dễ gặp phải các vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy…. Nếu không dung nạp đủ chất dinh dưỡng cần thiết, người bệnh xơ gan phải đối mặt với nguy cơ sụt cân, thậm chí mắc chứng suy dinh dưỡng protein - năng lượng (PEU). Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc chứng suy dinh dưỡng PEU ở người bị xơ gan là từ 65% - 90% .
Vì vậy, thực đơn cho người bị xơ gan cần đảm bảo cung cấp đầy đủ các nhóm dưỡng chất bao gồm năng lượng (calo), chất đạm (protein), chất xơ, chất đường bột (carbohydrate), chất béo (lipid), các vitamin, khoáng chất và nước. Người bệnh xơ gan có thể tham khảo khối lượng tiêu thụ an toàn đối với từng nhóm dưỡng chất được khuyến nghị, gợi ý như sau:
- Năng lượng (calo): Tiêu thụ từ 25 - 35 calo / kg cân nặng / ngày.
- Nước: Dung nạp từ 1,5 - 2 lít mỗi ngày (đối với bệnh xơ gan thông thường); nạp từ 1 - 1,5 lít mỗi ngày (bệnh xơ gan có phù nề, biến chứng cổ trướng).
- Chất đường bột (carbohydrate): Tiêu thụ từ 300 - 400 g mỗi ngày, tương đương khoảng 60% trên tổng năng lượng dung nạp từ khẩu phần ăn trong ngày.
- Chất đạm (protein): Tiêu thụ từ 1,2 - 1,5 g / kg cân nặng / ngày (đối với bệnh xơ gan thông thường); 0,8 - 1 g / kg / ngày (bệnh xơ gan có phù nề, biến chứng cổ trướng).
- Chất béo (lipid): Tiêu thụ ít nhất 20 g mỗi ngày, tương đương 25% - 40% trên tổng năng lượng dung nạp từ khẩu phần ăn trong ngày.
- Chất xơ: Tiêu thụ từ 25 - 35 g mỗi ngày.
Lưu ý: Trên đây là khối lượng tiêu thụ chất dinh dưỡng được các chuyên gia khuyến nghị chung cho người mắc bệnh xơ gan. Khối lượng tiêu thụ này có thể chênh lệch tùy thuộc vào tình trạng riêng và nhu cầu dinh dưỡng cụ thể ở mỗi người bệnh. Vì vậy, người bệnh xơ gan cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ dinh dưỡng để biết chính xác khối lượng tiêu thụ chất dinh dưỡng phù hợp với bản thân.
2. Hạn chế các món chiên xào, nhiều dầu mỡ
Hạn chế tiêu thụ thực phẩm được chế biến bằng phương pháp chiên, xào nhiều dầu mỡ là nguyên tắc quan trọng khi xây dựng thực đơn cho người xơ gan. Bởi vì, gan là cơ quan đảm nhận nhiệm vụ xử lý và chuyển hóa chất béo dung nạp vào cơ thể, tiêu thụ món ăn nhiều dầu mỡ sẽ khiến gan quá tải. Kéo dài tình trạng này có thể khiến cho tế bào gan càng bị tổn thương nghiêm trọng hơn, khiến bệnh xơ gan tiến triển nhanh hơn.
3. Hạn chế món ăn mặn, thực phẩm đóng hộp
Món ăn mặn, thực phẩm đóng hộp thường chứa nhiều muối. Trong khi đó, tiêu thụ nhiều muối có thể khiến người bệnh xơ gan xuất hiện tình trạng tích nước, đồng thời làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng cổ trướng. Ngoài ra, thực phẩm đóng hộp còn chứa nhiều chất phụ gia, chất bảo quản có hại cho sức khỏe của gan. Do đó, thực đơn mỗi ngày cho người xơ gan cần hạn chế món ăn mặn và thực phẩm đóng hộp để bảo vệ sức khỏe tối ưu.
4. Tránh các món nhiều đường, chất tạo ngọt
Khi ăn nhiều các món chứa đường và chất tạo ngọt, gan buộc phải tăng cường hoạt động để có thể chuyển hóa các chất này. Thế nên, tiêu thụ quá mức đường và chất tạo ngọt cũng là yếu tố hàng đầu gây áp lực cho gan.
Trên thực tế, chức năng gan ở người bệnh xơ gan vốn đã bị suy giảm nên khi ăn nhiều thực phẩm chứa đường và chất tạo ngọt có thể khiến nồng độ glucose trong máu tăng cao. Khi đó, nguy cơ khởi phát các bệnh lý như đái tháo đường, thừa cân, béo phì, gan nhiễm mỡ… sẽ gia tăng đáng kể. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, người bệnh xơ gan cần tránh ăn các món chứa đường và chất tạo ngọt.
5. Tránh thịt và hải sản chưa nấu chín
Thịt và hải sản chưa được nấu chín có thể chứa nhiều loại virus, vi khuẩn, ký sinh trùng. Trong đó, các loại vi khuẩn đặc biệt nguy hiểm đối với sức khỏe con người là Toxoplasma, Listeria, Salmonella (thường trú ẩn trong thịt gia cầm, gia súc) và vi khuẩn Vibrio (thường trú ẩn trong các loại hải sản). Vì vậy, nếu tiêu thụ thịt hoặc hải sản chưa chín, người bệnh xơ gan có thể bị nhiễm trùng và các vấn đề sức khỏe khác.
6. Khẩu phần nhỏ, không ăn quá no
Để hỗ trợ thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn và chuyển hóa các chất dinh dưỡng diễn ra thuận lợi, người bệnh xơ gan cần tránh ăn quá no và nên chia nhỏ khẩu phần ăn của mình.
Bởi lẽ, chức năng chuyển hóa dinh dưỡng ở người mắc bệnh xơ gan thường có xu hướng suy giảm, dẫn đến việc tiêu hóa và xử lý thức ăn gặp nhiều khó khăn. Việc chia nhỏ khẩu phần ăn sẽ giúp làm giảm áp lực cho gan, nhờ đó khả năng chuyển hóa và hấp thu dinh dưỡng của cơ thể được cải thiện đáng kể.
7. Ưu tiên các món ăn dễ tiêu hóa
Thực đơn cho người bị xơ gan hay thực đơn mỗi ngày cho người bệnh xơ gan cần ưu tiên các món dễ tiêu hóa. Bởi vì, bệnh xơ gan có thể làm trì hoãn hoạt động của ruột non , khiến cho các chất cặn bã bị tích tụ và gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Người bệnh xơ gan nên ưu tiên tiêu thụ thức ăn dễ tiêu hóa, cung cấp chất xơ và nước như món canh, cháo, súp….
Thực đơn mỗi ngày cho người bệnh xơ gan nên bao gồm những gì?
Thực đơn cho người xơ gan cần ưu tiên thực phẩm giàu đạm, tinh bột phức hợp, chất xơ, chất béo không bão hòa, khoáng chất, vitamin. Đồng thời, người bệnh xơ gan cần tránh tiêu thụ thực phẩm giàu gia vị (đặc biệt là đường và muối), chứa nhiều chất phụ gia, chất bảo quản, chất béo bão hòa….
1. Các loại thực phẩm nên ăn
Người bệnh xơ gan nên ăn các loại thực phẩm sau đây:
- Trái cây tươi: Một số loại trái cây giàu chất chống oxy hóa, chứa ít đường tốt cho người bị xơ gan bao gồm quả mọng (dâu tây, mâm xôi…), táo, dứa, quả họ cam quýt (bưởi, cam, quýt, quất…)….
- Rau quả: Cải xoăn, cải thìa, rau lang, bông cải, rau chân vịt, mồng tơi, cải ngọt, ớt chuông, bí đao….
- Thịt gia cầm bỏ da: Thịt gà, vịt, chim cút, chim bồ câu….
- Các loại cá béo: Cá hồi, cá trích, cá cơm, cá basa….
- Hải sản: Tôm, bạch tuộc, cua, ghẹ, mực,….
- Các loại đậu: Đậu nành, đậu ngự, đậu gà, đậu lăng, đậu đỏ, đậu đen….
- Các loại hạt: Hạt điều, hạt lanh, hạt óc chó, hạnh nhân, hạt chia….
- Ngũ cốc nguyên hạt: Yến mạch, gạo lứt, hạt diêm mạch….
- Các loại củ: Cà rốt, khoai lang, củ dền, củ cải trắng, củ đậu….
- Dầu thực vật giàu chất béo không bão hòa: Dầu ô-liu, dầu hạt cải…
- Thực phẩm có tính kháng viêm cao: Nghệ, sả, riềng, gừng, tỏi, lá tía tô, rau diếp cá….
2. Các loại thực phẩm nên tránh
Để hỗ trợ chức năng gan, ngăn bệnh xơ gan phát triển nhanh, người bệnh cần tránh tiêu thụ các loại thực phẩm sau đây:
- Thịt, cá hoặc hải sản tái hoặc sống: Trứng sống hoặc luộc lòng đào, thịt bò tái, thịt cá sống trong các món gỏi, sashimi….
- Thực phẩm ủ lên men: Dưa chua, cải chua, kimchi….
- Thực phẩm chế biến công nghiệp, đóng hộp: Thịt hộp, xúc xích, thịt xông khói, thức ăn đông lạnh….
- Thực phẩm giàu chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa: Mỡ động vật, sữa nguyên kem, khoai tây chiên, gà rán….
- Thực phẩm nhiều đường: Bánh kẹo, nước giải khát đóng chai, nước ngọt có gas….
- Thực phẩm nhiều muối: Các loại cá, thịt phơi khô (khô cá, khô bò, khô gà…), snack, mì ăn liền….
- Thực phẩm chứa chất kích thích: Bia, rượu, cocktail, cà phê hoặc trà quá đậm đặc….
Xem thêm:
- Chế độ ăn cho mắc người xơ gan
- Bị xơ gan kiêng ăn gì?
- Xơ gan nên ăn gì tốt?
Gợi ý thực đơn cho người bị xơ gan tham khảo
Tùy vào nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người bệnh, thực đơn cho người xơ gan có thể được chia nhỏ từ 4 - 6 bữa ăn trong ngày. Dưới đây là thực đơn cho người bị xơ gan gợi ý theo số bữa trong ngày mà người bệnh có thể tham khảo:
1. Thực đơn dinh dưỡng với 4 bữa ăn trong ngày
- Bữa sáng: Cháo cá hồi đậu xanh
- Bữa trưa: 2 chén nhỏ cơm gạo lứt, canh cải xà lách xoong nấu tôm, cà rốt luộc, ức gà áp chảo
- Bữa phụ chiều: Sinh tố dâu việt quất (không dùng được hoặc sử dụng đường ăn kiêng)
- Bữa tối: Súp cua rau củ, sữa hạnh nhân không đường
2. Thực đơn dinh dưỡng với 5 bữa ăn trong ngày
- Bữa sáng: Phở ức gà, sữa tách béo không đường
- Bữa phụ trưa: 2 lát bánh chuối yến mạch
- Bữa trưa: 2 chén nhỏ cơm gạo lứt, rau muống luộc, trứng đúc thịt
- Bữa phụ chiều: Sữa đậu nành không đường
- Bữa tối: Cháo cá lóc rau đắng
3. Thực đơn dinh dưỡng với 6 bữa ăn trong ngày
- Bữa sáng: Bún gạo lứt xào tôm thịt
- Bữa phụ sáng: Sữa đậu xanh và hạt óc chó
- Bữa trưa: 2 chén cơm gạo lứt, tôm khìa nước dừa, canh cải xanh, cà rốt luộc
- Bữa phụ trưa: 1 đĩa nhỏ khoai sọ luộc
- Bữa tối: Miến đậu xanh nấu sườn
- Bữa phụ tối: 1 ly sữa yến mạch không đường
Lưu ý: Gợi ý thực đơn trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Thực đơn cho người xơ gan cần được điều chỉnh thường xuyên để phù hợp với tình trạng bệnh và sở thích của từng người. Để đảm bảo an toàn và hỗ trợ bệnh hiệu quả, việc xây dựng thực đơn cho người bệnh xơ gan cần có sự tham vấn của bác sĩ. Trong mọi trường hợp, người bệnh không nên tự ý thiết lập hoặc thay đổi thực đơn dinh dưỡng khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
Người bệnh xơ gan nên chọn các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và hướng dẫn xây dựng thực đơn dinh dưỡng chuyên biệt. Chuyên khoa Dinh dưỡng Tiết chế tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng, chuyên viên tiết chế chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm. Nơi đây đã hỗ trợ dinh dưỡng giúp nhiều người bệnh cải thiện tình trạng bệnh, tốt cho sức khỏe trong đó có người bệnh xơ gan.
Tóm lại, một chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp có thể giúp cải thiện sức khỏe cho người bệnh xơ gan. Để tìm hiểu cách xây dựng thực đơn cho người xơ gan hay thực đơn mỗi ngày cho người bệnh xơ gan chuẩn cá nhân hóa, người bệnh nên đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và tư vấn chi tiết.