Bản chất của nước cứng vẫn là chất lỏng nhưng có nhiều tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe hơn so với nguồn nước khác, gây lúng túng cho nhiều người vẫn chưa hiểu rõ được các đặc điểm của nó. Do đó bài viết sau đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn hiểu rõ các đặc điểm cũng như tác hại của nước cứng trong đời sống, mọi người cùng xem qua nhé.
Nước cứng là gì?
Trước khi biết đến những tác hại của nước cứng, mọi người cần hiểu rõ khái niệm nước cứng là gì.
- Nước cứng là nguồn nước tự nhiên có vị đắng vì chứa nhiều Ca2+ và Mg2+ cùng với một số ít các khoáng chất khác. Vì thế độ cứng của nước cứng đặc trưng bởi tổng hàm lượng ion Ca2+ và Mg2+ lớn hơn 3mg trên 1 lít nước, có nhiều ở mạch nước ngầm.
- Bên cạnh đó quá trình hình thành nước cứng tự nhiên cũng sẽ đi qua nhiều loại đá vôi có nhiều khoáng chất như Ca2+ và Mg2+.
Quá trình hình thành nước cứng
Nước là một dạng dung môi có khả năng hút và hòa tàn các tạp chất dễ dàng, nên việc hình thành độ cứng trong nước có thể xuất phát từ hai nguyên nhân sau đây:
Chảy từ thượng nguồn
Nước từ thượng nguồn chảy xuống qua các địa hình núi, đất, đá sẽ mang theo một lượng khoáng chất, một ít được hòa tan trong quá trình di chuyển, số còn lại được tích tụ và giữ nguyên như Ca2+ và Mg2+.
Tới đầu nguồn nước sinh hoạt, hàm lượng khoáng chất kể trên đủ để tạo độ cứng nhất định trong nước, gây hại cho sức khỏe con người.
Có trong các mạch nước ngầm
Nguyên nhân thứ hai nước cứng xuất phát từ các mạch đá ngầm, đi qua nhiều lớp như đất đá, đá vôi và trầm tích, đồng thời cũng hòa tan một lượng ion kim loại nặng, tích tụ đến lớp cuối với hàm lượng khoáng ion cao đủ tạo thành nước cứng.
Hiện nay tại nhiều khu vực vẫn chưa có biện pháp xử lý hiệu quả nguồn nước cứng, nên có thể gây ảnh hưởng nhất định đến quá trình sinh hoạt của người dân nói chung.
3 loại nước cứng phổ biến nhất
Hiện tại nước cứng được chia thành 3 loại chính, trong đó để xử lý nước cứng cần phụ thuộc vào độ cứng của từng loại để xác định có loại bỏ được không.
Nước cứng tạm thời
Có độ cứng tạm thời do chứa nhiều khoáng chất hòa tan nhanh như magiê bicarbonate và canxi bicarbonate, trường hợp nước có độ cứng tạm thời có thể giảm thiểu bằng cách nấu nước sôi.
Nước cứng vĩnh cửu
Độ cứng vĩnh cửu của nước khi có sự xuất hiện của muối canxi hoặc muối magie clorua làm cho độ cứng của nước khó mất đi ngay khi đun sôi. Trường hợp này chỉ giảm được độ cứng bằng máy làm mềm nước.
Nước cứng toàn phần
Nước cứng toàn phần có tính chất của vĩnh cửu và tạm thời với thành phần gồm CaSO4, Mg(HCO3)2, muối MgCl2, CaCl2, MgSO4 và Ca(HCO3)2.
Tác hại của nước cứng đối với con người
Việc xử lý nước cứng vẫn luôn là vấn đề khó khăn tại nhiều địa phương, nước cứng ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt và ăn uống tại nhiều gia đình tại các vùng đất núi đá vôi dưới đây:
Ảnh hưởng sức khỏe
Dưới đây là một số tác hại của nước cứng biểu hiện rõ rệt qua cơ thể khiến bạn mất dần sự tự tin vốn có kèm theo nhiều tác động xấu đến sức khỏe về lâu dài.
- Ảnh hưởng lên tóc: Dễ bị rụng tóc, phai màu, khô xơ và mất độ mềm mại vốn có.
- Ảnh hưởng đến da: Làm da khô, dễ bị nổi mụn, đặc biệt nước cứng khó rửa trôi bọt sữa rửa mặt có thể gây mẩn ngứa, kích ứng làm giảm sự tự tin.
- Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe: Sử dụng nước cứng lâu có thể gây sỏi thận, sỏi tiết niệu, làm tắc động mạch và tĩnh mạch do cặn vôi bị tích tụ.
Ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt mỗi ngày
Trong hoạt động ăn uống, nước cứng làm mất đi vị ngon ngọt tự nhiên, lâu chín, rau thay đổi màu sắc, đồng thời còn làm giảm đi hàm lượng dinh dưỡng có trong thực phẩm. Hơn nữa khi uống nước sẽ có vị hơi tanh và màu sắc thay đổi rõ rệt, trà và cà phê cũng xuất hiện lớp váng khi nấu.
Các vật dụng trong nhà
Ngoài thực phẩm thì các dụng cụ sinh hoạt cũng bị ảnh hưởng như:
- Ấm nấu nước có lớp váng dày ở dưới đáy;
- Dụng cụ đựng nước có cặn bẩn;
- Chén và ly có các mảng bám;
- Ống nước bị tắc nghẽn do cặn vôi tích tụ trong thành ống;
- Gương và cửa có bị ngả vàng;
- Quần áo bị sờn vải, thô ráp.
Qua đó bạn có thể thấy những tác hại của nước cứng gây ra cho con người vô cùng nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến các vật dụng đun nấu, chất lượng thức ăn, nước uống và quan trọng nhất chính là sức khỏe của bản thân và những người thân yêu.
Các đặc điểm nhận biết của nước cứng
Trước những tác hại của nước cứng đối với con người, nhiều người thắc mắc rằng liệu có thể nhận biết các đặc điểm của nước cứng bằng mắt thường, để can thiệp được không?
Câu trả lời là bạn không thể nhận biết nước cứng bằng mắt thường được, thay vào đó bạn cần mời chuyên gia trong lĩnh vực đến xác định hàm lượng canxi cacbonat có trong nước sinh hoạt gia đình và xét nghiệm để có kết quả chuẩn nhất.
Tuy không xác định chính xác nhưng bạn vẫn có thể xác định tương đối độ cứng của nước dựa vào một số dấu hiệu điển hình như sau:
- Làm giảm khả năng tạo bọt của xà bông giặt đồ: Khi cho xà bông vào hai loại nước, nước nào ít bọt và có cặn trắng do muối canxi trong nước cứng không tan thì đó là nước cứng.
- Các thiết bị đun nấu, nồi hơi và bình nóng lạnh dễ bị bám cặn: Do lớp CaCO3 trong nước cứng tạo thành 1 lớp cách nhiệt dưới đáy nồi, làm giảm khả năng truyền nhiệt, dẫn nhiệt dẫn đến tiêu thụ điện nhiều tăng chi phí sử dụng điện.
- Bên cạnh đó có thể nhận biết qua một số hoạt động sinh hoạt hằng ngày như: Quần áo sau khi giặt bị thô ráp, vải quần áo nhanh bị mục, gây khô da, khô tóc, đá đông lạnh có màu đục, nước pha trà và cà phê nổi váng,...
Nếu nhận thấy một trong các dấu hiệu bất thường trên, tỷ lệ cao có thể khẳng định nguồn nước sử dụng là nước cứng.
Hy vọng qua bài viết trên, bạn đọc sẽ hiểu được nước cứng có các đặc điểm gì và tác hại của nước cứng có sự ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào, từ đó có thể chủ động tìm biện pháp ngăn chặn trước khi nước cứng xâm nhập vào gia đình bạn.
Xem thêm:
- Các nguyên tắc cơ bản để giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm?
- Bạn có biết gì về tác hại của nước hydrogen hay không?