Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 6-2-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 6-2
Sự kiện trong nước
- Ngày 6-2-1804: Danh sĩ Nguyễn Thiếp, hiệu La Sơn phu tử, sinh nǎm 1723 ở Hà Tĩnh mất. Chúa Trịnh Sâm nhiều lần mời ông ra làm việc nhưng ông từ chối. Vua Quang Trung chân thành viết thư mời nhiều lần ông mới ra giúp nhà Tây Sơn góp phương sách đánh giặc, làm Viện trưởng Viện Sùng Chính, tương đương với Thượng thư Bộ Học. Nguyễn Thiếp còn để lại La Sơn thi tập, Lập Phong vǎn các, Hạnh Am thi vǎn tập, nói lên tấm lòng luôn gắn bó với quê hương.
- Ngày 6-2-1967: Bắt đầu trận then chốt - trận Làng Vây trong đợt 1 Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh.
Làng Vây là một cứ điểm mạnh trong hệ thống phòng thủ Đường 9 - Khe Sanh, do 4 đại đội thám báo, 1 trung đội Mỹ (tính cả tàn quân từ Hướng Hóa, Huội San chạy về, tổng số 1.000 quân), cùng nhiều vũ khí trang bị hạng nặng, chốt giữ. Nếu địch để mất Làng Vây, quân của chúng ở Tà Cơn sẽ bị cô lập. Vì vậy, ta chọn Làng Vây làm mục tiêu đánh trận then chốt.
Tiến công Làng Vây, ta tổ chức cơ động đội hình lớn, có pháo binh, đặc biệt là xe tăng lần đầu xuất hiện (2 đại đội gồm 16 xe PT-76) trên chiến trường. Theo kế hoạch, 23 giờ 30 phút ngày 6-2-1968, sau khi pháo binh ta bắn chuẩn bị, trên 3 hướng (nam, tây và bắc), bộ binh ta có xe tăng hỗ trợ, đồng loạt vượt qua cửa mở tiến công vào Làng Vây. Trong trận đánh Làng Vây, sự xuất hiện bí mật của xe tăng ở hướng tiến công chủ yếu (phía nam) và hướng tiến công thứ yếu (phía tây) đã tạo bất ngờ đối với địch. Trận đánh kết thúc lúc 10 giờ ngày 7-2-1968.
Đây là trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, ta tiêu diệt 400 tên, bắt sống 253 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị chiến tranh của địch, tạo ra thế trận có lợi cho ta phát triển tiến công đánh chiếm các mục tiêu quan trọng khác, giành thắng lợi cho chiến dịch. Trận Làng Vây thắng lợi đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng. Chiến thắng Làng Vây đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
- Ngày 6-2-1967: Máy bay Mỹ rải thuốc khai quang ở phía Nam vùng phi quân sự. Hàng chục tấn thuốc diệt cỏ cũng được ném xuống để cho cây rụng lá, cỏ không mọc được làm cho đối phương không còn chỗ ẩn núp. Phương pháp này của đế quốc Mỹ bị dư luận quốc tế phản đối.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 6-2-2018: SpaceX đã phóng thành công tên lửa Falcon Heavy tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy. Falcon Heavy hiện là tên lửa mạnh nhất thế giới đang được sử dụng, bao gồm 3 tên lửa đẩy lõi dựa trên phiên bản đặc biệt của Falcon 9 và một tầng trên đầy uy lực. Falcon Heavy cao 70m và có thể mang theo khối lượng 64 tấn lên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất.
- Ngày 6-2-1971: Phi hành gia Mỹ Alan Shepard - chỉ huy sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng của NASA - ra khỏi tàu Apollo 14, sử dụng gậy sắt số 6 tên "Moon Club" đánh golf trên mặt trăng lần đầu tiên trong lịch sử. Màn golf trên cung trăng là ý tưởng của Shepard, nhằm trình diễn sự khác biệt trọng lực của nó với trái đất. Shepard sau đó đã tặng "Moon Club" cho Hiệp hội Golf Mỹ (USGA) tại Major US Open 1974 trên sân Winged Foot. Hiện nay, cây gậy này được trưng bày trong Bảo tàng USGA ở New Jersey.
- Ngày 6-2-1964: Chính phủ Anh và Pháp thông báo cam kết sẽ xây dựng một đường hầm qua eo biển Manche. Hơn 30 năm sau, ngày 6-5-1994 khánh thành siêu dự án Channel Tunnel - đường hầm dài 50,45km và là tuyến đường hầm dưới biển dài nhất thế giới. Hằng năm, khoảng 12 triệu bông hồng được chuyển qua đường hầm này vào Ngày Valentine 14-2.
- Ngày 6-2-1952: Elizabeth trở thành Nữ hoàng Anh sau khi phụ thân của bà, Vua George, qua đời. Nữ hoàng Elizabeth II đăng quang khi mới 25 tuổi.
- Ngày 6-2-1848: "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" do Karl Marx và Friedrich Engels soạn thảo lần đầu tiên được công bố trên báo Luân Đôn (Anh) đúng lúc phong trào cách mạng 1848 ở châu Âu bắt đầu bùng nổ. Cho đến ngày nay, tư tưởng cơ bản trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" vẫn tiếp tục chiếu sáng con đường đấu tranh của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
Theo dấu chân Người
- Ngày 6-2-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang tiến hành chuyến thăm lịch sử nước Cộng hòa Ấn Độ. Tại thủ đô New Delhi, Bác dự buổi tiệc trà của “Ủy ban đón tiếp Hồ Chủ tịch”. Đáp lại lời ca ngợi của chủ nhà, Bác nói: “Tôi không phải là anh hùng. Chính những người dân Việt Nam và Ấn Độ đã đoàn kết đấu tranh giành lại tự do, độc lập cho Tổ quốc mình - đó mới là những người anh hùng thật...”. Tối hôm đó, tại lễ chiêu đãi do Tổng thống Ấn Độ tổ chức, Bác đã xin phép không ngồi trên chiếc “ngai vàng” mà chủ nhà dành vị trí danh dự cho khách, với lý do: “Tôi muốn được bình đẳng với mọi người”. Và trong đáp từ trước các nhà lãnh đạo của quốc gia đang đóng vai trò Chủ tịch Ủy ban Quốc tế giám sát việc thực hiện Hiệp định Geneva năm 1954, Bác khẳng định: “Từ đã lâu, nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai có thể chia cắt được. Chúng tôi kiên quyết phấn đấu để thực hiện thống nhất đất nước trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hòa bình”.
- Ngày 6-2-1961, phát biểu tại Hội nghị cán bộ Thanh tra toàn miền Bắc, Bác xác định “Thanh tra là một nhiệm vụ vẻ vang và quan trọng; nó theo dõi, xem xét việc chấp hành đúng đắn đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ” và phê phán một số yếu kém trong đội ngũ cán bộ của ngành.
- Ngày 6-2-1969, lúc 10 giờ 15 phút, tại Phủ Chủ tịch, Bác làm việc với Đài phát thanh ghi lời chúc mừng năm mới để phát vào phút giao thừa bước sang Xuân Kỷ Dậu, mùa Xuân cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết thúc bằng một lời thơ lạc quan: “Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa - Tập 1 - NXB: Chính trị quốc gia - Sự thật 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Cách mạng rất cần trí thức và chính ra chỉ có cách mạng mới biết trọng trí thức. Nhưng trọng trí thức như thế nào? Không phải tất cả đều là trọng. Trí thức đáng trọng là trí thức hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.
(Hồ Chí Minh toàn tập, t. 8, tr. 53, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011)
Đây là lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày trong buổi khai mạc Lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính ở cơ quan Trung ương ngày 6-2-1953. Tháng 2 năm 1953 cũng là giai đoạn nước ta đang đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Pháp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự cảm về một giai đoạn mới của cách mạng nước ta sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi - giai đoạn kiến thiết và xây dựng. Do vậy, rất cần phải củng cố sự đoàn kết, thống nhất và phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân tộc, trong đó có đội ngũ trí thức. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, đảng viên còn chưa nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, chưa chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Thậm chí, một bộ phận cán bộ, đảng viên có thành kiến, chưa nhìn nhận, đánh giá đúng về trí thức, làm cho nhiều trí thức trong các cơ quan nhà nước cho rằng Đảng không coi trọng trí thức.
Nói chuyện tại Lễ bế mạc lớp chỉnh huấn cán bộ trí thức năm 1953, Người nói: “Đảng, Chính phủ và nhân dân ta rất yêu quý trí thức. Yêu quý những trí thức gắn liền lý luận với thực hành, những trí thức thật lòng thật dạ phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Yêu quý những trí thức đoàn kết thành một khối với nhân dân, những trí thức của nhân dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức đề cao vai trò của trí thức và luôn tìm mọi cách phát huy tối đa sức mạnh của lực lượng này để đóng góp vào thành công chung sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Quan điểm của Người về vai trò và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức yêu nước đã có tác dụng to lớn trong việc động viên sức mạnh và trí tuệ toàn dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa; đồng thời, giúp cho người trí thức hiểu rõ về vị trí và khả năng cách mạng của họ, từ đó mà sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay đã tăng nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng, góp phần quan trọng đưa đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, và trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 70 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Các học viện, nhà trường trong toàn quân vẫn không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và có chính sách đúng, cách làm hợp lý để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong quân đội. Cùng với việc đào tạo đội ngũ trí thức về chuyên môn, nghiệp vụ, đội ngũ trí thức quân đội cũng được bồi dưỡng về lập trường tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, làm cho đội ngũ trí thức tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng chính trị của Đảng, kịp thời phát hiện và đấu tranh với những trí thức suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2406 ra ngày 6-2-1968 đăng toàn văn Điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và các vị trong Ủy ban trung ương mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Đây là toàn văn bức điện:
“Trong mấy ngày đầu xuân, quân và dân ta ở miền Nam đánh rất giỏi, rất đều, rất nhịp nhàng, đánh khắp nơi mà nơi nào cũng thắng to! Giặc Mỹ và tay sai bị một vố như trời giáng, hết sức hoang mang, lúng túng; ngụy quyền, ngụy quân đang tan rã từng mảng. Đồng bào cả nước rất phấn khởi, tự hào; bầu bạn ta khắp năm châu rất vui mừng!
Tôi thân ái nhờ Chủ tịch và các vị chuyển đến toàn thể đồng bào miền Nam, các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng và các lực lượng yêu nước khác lời khen ngợi nồng nhiệt nhất.
Thắng lợi đầu xuân của quân và dân miền Nam đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta đến một tình thế mới rất có lợi! Không có gì cứu vãn nổi sự sụp đổ hoàn toàn của giặc Mỹ và tay sai!
Càng gần thắng lợi, càng nhiều gian nan. Quân địch như con thú dữ đến bước đường cùng càng giãy giụa điên cuồng, quân và dân ta càng phải tăng cường đoàn kết, kiên trì chiến đấu, đánh mạnh, đánh liên tục, giành những thắng lợi to lớn hơn nữa!
Chúng ta có chính nghĩa, đồng bào, chiến sĩ cả nước ta một lòng anh dũng và mưu trí, quyết chiến, quyết thắng, lại được cả phe xã hội chủ nghĩa và loài người tiến bộ đồng tình và ủng hộ, chúng ta nhất định toàn thắng!
Chào thân ái và quyết thắng!
Hà Nội, ngày 4 tháng 2 năm 1968
HỒ CHÍ MINH”.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3132 ra ngày 6-2-1970 đăng trang trọng bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và trích đăng một câu trong một bài thơ chúc Tết của Người: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3132 ra ngày 6-2-1970.MAI HƯƠNG (tổng hợp)